20
18
/
840843
Xử lý rác thải sinh hoạt: Chuyện ở Hải Hà
longform
Xử lý rác thải sinh hoạt: Chuyện ở Hải Hà

 

 

Trước yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường và cũng là để giảm sự phụ thuộc vào cơ sở xử lý rác thải của “hàng xóm”; giảm áp lực cho ngân sách, UBND huyện Hải Hà đã có chủ trương đầu tư lò đốt rác thải mi ni cho cụm 3 xã: Quảng Long, Quảng Phong, Quảng Điền. Tuy nhiên, chủ trương này đã vấp phải phản đối của hơn 300 hộ dân ở các thôn 3, 8, 9 của xã Quảng Long và thôn 6 của xã Quảng Phong. Các hộ dân đã có đơn kiến nghị tập thể gửi tới huyện, tỉnh và Báo Quảng Ninh

Dân không đồng thuận vì sợ ô nhiễm

Ông Phạm Văn Viên, 62 tuổi, trú tại thôn 9, xã Quảng Long, huyện Hải Hà là người đại diện cho hơn 300 hộ dân ở các thôn 3, 8, 9 của xã Quảng Long và thôn 6 của xã Quảng Phong đứng đơn kiến nghị gửi các cấp. Không giấu được bức xúc, ông cho biết: “Tháng 5/2018, nhân dân chúng tôi được mời về nhà văn hóa thôn để lấy ý kiến về quy hoạch dự án xây dựng bãi tập kết và xử lý rác thải tại thôn 6 xã Quảng Phong. Địa điểm này tiếp giáp với khu dân cư thôn 9 xã Quảng Long; lại là nơi có rất nhiều diện tích trồng chè của bà con. Và huyện cũng đã có chương trình phát triển du lịch đồi chè xã Quảng Long. Chúng tôi đều nhận thức được mối nguy hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe nếu rác thải không được thu gom xử lý, vì thế chúng tôi rất hoan nghênh, ủng hộ chủ trương thu gom, xử lý rác thải của huyện. Tuy nhiên, địa điểm được chọn làm bãi tập kết và xử lý rác thải này không phù hợp nên tha thiết đề nghị chính quyền nghiên cứu, lựa chọn địa điểm khác. Qua các cuộc họp; cuộc đối thoại của lãnh đạo huyện, chúng tôi đều đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng nhưng lại không được xem xét, giải quyết. Thậm chí, trong buổi tiếp dân của lãnh đạo huyện ngày 1/11/2018, chúng tôi được hứa trong vòng 15 ngày sẽ có câu trả lời. Thế nhưng, đến hôm nay vừa tròn 15 ngày, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời”.

Cuộc trao đổi giữa chúng tôi và ông Viên đã bị cắt ngang khi gần 50 người dân kéo đến vì nghe tin có nhà báo đến. Chỉ tay vào địa điểm dự kiến sẽ xây dựng điểm xử lý rác thải, ông Nguyễn Văn Quân, thôn 3, xã Quảng Long nói: “Bãi đất này hiện là khu vực trồng chè của 8 hộ thôn 9, xã Quảng Long. Tuy mặt bằng rộng, bằng phẳng nhưng nó nằm trên đỉnh đồi, cao khoảng 30 mét so với mực nước biển; xung quanh còn rất nhiều diện tích trồng chè của các hộ dân khác. Điểm này cũng cách khu dân cư thôn 9 xã Quảng Long và thôn 6 xã Quảng Phong không xa. Phía dưới chân đồi này là con suối nguồn nước sinh hoạt của người dân chúng tôi. Kết nối con suối là đập nước chảy ra biển nơi có hàng trăm hộ dân khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sát với công trình tập kết, xử lý rác thải là 2 nghĩa trang- địa điểm tâm linh của nhân dân trong xã. Nếu huyện làm điểm tập kết và xử lý rác thải ở đây, nước thải từ rác, khói bụi từ việc đốt rác, rác tồn đọng… sẽ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động sản xuất của hàng trăm hộ dân. Chính vì thế chúng tôi phản đối”.

Ông Đinh Phú Thành, thôn 9, xã Quảng Long tiếp lời: “Ở đây 1 năm có tới 9 tháng gió Nam thổi. Nếu làm điểm tập kết xử lý rác thải ruồi bọ, mùi ô nhiễm, bụi, khí đốt sẽ theo hướng gió thổi vào khu dân cư chúng tôi. Đó còn chưa kể một ngày chúng tôi có 8 tiếng làm việc trên các khu vực đồi chè xung quanh đây cũng sẽ phải chịu đựng sự ô nhiễm này”.

Cũng theo các hộ dân,  khu vực huyện xác định xây dựng điểm xử lý rác thải trước kia vốn thuộc Nông trường chè Đường Hoa, sau khi Nông trường bàn giao lại, thuộc sự quản lý của UBND xã Quảng Phong. 

Lò đốt rác chứ không phải bãi tập kết, xử lý rác thải

Để tìm hiểu rõ phản ánh của bà con, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo xã Quảng Long nhưng không có được câu trả lời thỏa đáng. Ông Đinh Hữu Phượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Long cho rằng, địa điểm được lựa chọn để xây dựng điểm xử lý rác thải thuộc quản lý của xã Quảng Phong. Lãnh đạo xã Quảng Long chỉ tham gia cùng với các phòng ban chuyên môn của huyện tổ chức họp dân để phổ biến chủ trương của huyện nên không có tài liệu gì để cung cấp.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Cúc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong cho biết: “Ở đây, bà con đang có sự hiểu nhầm. Thực tế, huyện chủ trương xây dựng lò đốt rác thải mi ni cho cụm 3 xã Quảng Long, Quảng Phong, Quảng Điền chứ không phải điểm tập kết, xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp. Trước đó, năm 2017, huyện đã tổ chức cho đại diện các xã đi tham quan, học tập mô hình lò đốt rác ở Hải Hậu (Nam Định). Ở đó, nhờ có lò đốt rác, họ xử lý rất tốt vấn đề môi trường và rác thải sinh hoạt. Với quy mô nhỏ, rác thu gom ngày nào được xử lý hết ngày đó nên sẽ không có rác thải tồn đọng hay nước thải từ rác chảy ra. Nếu có, thì cũng sẽ được thu gom vào hệ thống rãnh thoát nước, chảy vào bể chứa. Ngoài ra, lò được thiết kế hệ thống phun sương nên khi đốt sẽ hạn chế được bụi, khói và mùi”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ tháng 9/2017, UBND xã Quảng Phong đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch xây dựng nông thôn mới; trong đó, có điểm đốt rác thải tại thôn 6, xã Quảng Phong. Bà Cúc cho biết thêm: “Ở thời điểm đó, đúng là chúng tôi đã không thể mời hết 100% bà con trên địa bàn thôn 6 và các thôn lân cận của xã đến nhưng những người có mặt đều không có ý kiến phản đối về địa điểm. Cái thiếu sót của chúng tôi là đã không lấy ý kiến của các hộ dân thôn 9, xã Quảng Long - thôn tiếp giáp với địa điểm quy hoạch”.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Cúc nói: “Từ thời điểm các hộ dân bên xã Quảng Long phản đối địa điểm xây dựng lò đốt rác thì một số hộ dân thôn 6, xã Quảng Phong mới có ý kiến phản đối. Hiện chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con; đồng thời, mời bà con đi thăm lò đốt rác ở xã Tiến Tới cũng mới được đưa vào sử dụng với quy mô và công nghệ như ở được đầu tư Quảng Phong để bà con có thể hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề. Chúng tôi cũng đã tham mưu với lãnh đạo huyện phương án tìm địa điểm mới ở Khe Hèo, thôn 6, xã Quảng Phong nhưng địa điểm này có bất cập là lại quá gần với lò đốt rác của xã Tiến Tới”.

Lời cam kết và khẳng định của chính quyền

Theo Ban Quản lý dự án công trình huyện Hải Hà, hiện huyện đã hoàn thành và đưa vào vận hành 2 lò đốt rác thải tại xã Tiến Tới và Cái Chiên. Hai lò đốt rác này có công suất từ 500- 800kg/giờ. Đây là lò công nghệ tiên tiến, đáp ứng quy chuẩn môi trường QCVN61-MT;2016/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt rác thải rắn sinh hoạt. Lò có thể đốt được liên tục 24 giờ mà không ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật và đảm bảo xử lý triệt để toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt thu gom trong ngày. Công nghệ đốt xử lý rác thải dựa hoàn toàn vào phương pháp đốt trên cơ sở tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng. Nguồn nhiệt bức xạ do rác sinh ra được sử dụng triệt để do kết cấu đặc biệt của đường lò, làm rút ngắn thời gian từ lúc ra nhiệt rác đến khi cháy kiệt, thúc đẩy nhanh quá trình khí hóa diễn ra trong rác thải mà không cần dùng đến năng lượng dầu đốt kèm. Lò có thể đốt rác với độ ẩm khá cao; tro xỉ thu được sau quá trình đốt đảm bảo không còn chất gây ô nhiễm môi trường và có thể tận dụng san lấp, cải tạo đất.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Phó Giám đốc BQL dự án công trình huyện Hải Hà cho biết: “Lò đốt rác thải ở xã Quảng Phong cũng được đầu tư với công nghệ, quy mô, công suất tương tự 2 lò đốt rác huyện đã được đầu tư tại Tiến Tới và Cái Chiên. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 4,7 tỷ đồng/lò, từ ngân sách hỗ trợ của tỉnh, huyện. Sau khi tiếp thu ý kiến của nhân dân xã Quảng Long ngày 9/5/2018, phòng chuyên môn huyện đã xem xét, điều chỉnh vị trí đặt lò đốt rác (dịch sang bên cạnh vị trí cũ khoảng chục mét-PV), đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đến khu đông dân cư thôn 9 xã Quảng Long không nhỏ hơn 500m theo quy chuẩn Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD- Quy hoạch xây dựng. Thêm nữa, thống kê của Công ty TNHH MTV môi trường Hải Hà, tổng lượng rác thu gom đối với 3 xã Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Điền khoảng 3 tấn/ngày. Như vậy, lượng rác này hoàn toàn có thể xử lý hết trong ngày mà không còn rác lưu cữu”.


Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Sau khi nhận ý kiến phản ánh của bà con xã Quảng Long, trực tiếp tôi đã chủ trì buổi đối thoại với bà con. Tại buổi đối thoại, cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn cũng đã giới thiệu, giải thích rất cặn kẽ cho bà con; đồng thời, UBND huyện cũng đã có cam kết, nếu có sự cố xảy ra, huyện sẽ cho chuyển đến xử lý tại các lò đốt rác khác, không để tồn đọng; nếu có tác động ảnh hưởng đến môi trường, huyện sẽ cho các ngành chức năng xem xét và có biện pháp khắc phục hoặc dừng hoạt động. Chủ trương này là giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, phục vụ lợi ích cho người dân chưa không phải là vì mục đích kinh tế. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo xã, phòng ban chuyên môn và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con. Huyện sẽ chỉ thực hiện dự án khi nào bà con đồng thuận.

Cẩm Nang - Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu