Xử lý nghiêm việc săn bắt chim trời
UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra xử lý các hành vi săn bắt, kinh doanh các loại chim trời hoang dã.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương tập trung kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, kinh doanh các sản phẩm từ chim hoang dã trên địa bàn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, kinh doanh các sản phẩm từ chim hoang dã theo quy định của pháp luật.
Công văn dẫn theo phản ánh của các cơ quan báo chí, hiện nay tình trạng săn bắt các loại chim hoang dã diễn ra tại một số địa phương của TP Móng Cái đang gây ảnh hưởng lớn đến cân bằng hệ sinh thái môi trường. Tuy nhiên, thực tế, tình trạng săn bắt chim hoang dã không riêng Móng Cái mà còn diễn ra ở một số địa phương khác trong tỉnh, không chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước. Từ năm 1998, Báo Quảng Ninh đã từng có bài phản ánh việc một số người dân xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) cứ chập tối giăng lưới trên các cánh đồng rồi dùng cát-sét giả tiếng chim lừa chúng lao đầu vào lưới để bắt đem bán hoặc giết thịt. Năm 2010, Báo cũng đã có bài phản ánh tình trạng người dân bẫy chim hoang dã như trên tại xã Thống Nhất (Hoành Bồ).
Gần đây nhất, trên số báo ra ngày thứ hai (10-11-2014), Báo Quảng Ninh tiếp tục có bài phản ánh tình trạng bẫy, bày bán công khai chim hoang dã tại một số địa phương thuộc TX Quảng Yên. Các loài chim như cò, dẽ hoa, mắt hồng, sẻ... được bán với giá từ 5.000-20.000 đồng/con và bán ngay tại chợ Rừng - trung tâm TX Quảng Yên.
Để bẫy được chim hoang dã, những “chim tặc” không từ một thủ đoạn nào, từ giăng lưới dùng cát-sét nhại tiếng dụ chim đến dùng bẫy sập, keo dán lên cây sào... Có lẽ, không đợi đến cơ quan chức năng tuyên truyền, hẳn những người đặt bẫy cũng hiểu rằng săn bắt chim hoang dã là vi phạm các quy định của Nhà nước đối với bảo vệ động vật hoang dã; rằng săn bắt chim hoang dã chính là diệt đi “khắc tinh” của các địch hoạ mùa màng, gây mất cân bằng sinh thái... Tuy nhiên, họ vẫn cứ liều lĩnh, nhắm mắt bắt chim vô tội vạ bởi coi đó là “của trời” ban tặng. Một ngày, một người săn chim có thể thu nhập từ vài trăm đến cả triệu đồng từ săn bắt chim hoang dã. Đó chính là “sức hút” để họ tàn sát chim trời vô tội vạ. Như tại TX Quảng Yên - địa phương có nhiều bãi ven biển có nhiều chim hoang dã di cư tụ về - một trong các “điểm nóng” về nạn săn bắt chim hoang dã, được biết trong tháng 9, các lực lượng chức năng đã tuyên truyền, kiểm tra, tịch thu 28,5kg lưới, 1 bộ loa đài để bẫy chim, tiêu huỷ khoảng 4.000m lưới, xử phạt vi phạm hành chính 1 đối tượng... Tuy nhiên, tình trạng săn bắt chim hoang dã không vì thế mà thuyên giảm.
Chỉ đạo của UBND tỉnh vừa ban hành đối với việc ngăn chặn tình trạng săn bắt các loại chim hoang dã là rất kiên quyết: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để tình trạng săn bắt, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm từ chim hoang dã diễn ra và tái diễn tại địa bàn.
Để ngăn chặn vấn nạn săn bắt chim trời, vi phạm các quy định của Nhà nước đối với bảo vệ động vật hoang dã theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thiết nghĩ không phải là không làm được. Điều cốt yếu nhất là cán bộ các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương từ huyện đến xã, thôn phải nhận thức được vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết phải bảo vệ chim hoang dã, từ đó huy động các đoàn thể, tổ chức và nhân dân cùng vào cuộc. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, ngành Kiểm lâm cùng chính quyền các xã, phường tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các đối tượng vi phạm. Được như vậy, hẳn nạn săn bắt chim hoang dã không thể ngang nhiên và tái diễn năm này qua năm khác như thế.
Đại Dương
Ý kiến ()