
Xóa "viên chức suốt đời"
Tại Kỳ họp thứ 8, với số phiếu tán thành cao, Quốc hội khóa XIV vừa chính thức thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Một trong những điểm đáng chú ý, được cử tri, dư luận, người dân đặc biệt quan tâm đó là sẽ không còn “viên chức suốt đời”, bỏ loại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với người được tuyển dụng làm viên chức từ ngày 1/7/2020.
Luật quy định rõ: Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 58 của Luật này; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 1/7/2020 chỉ áp dụng hợp đồng làm việc xác định thời hạn…
Có lẽ câu chuyện về một bộ máy hành chính cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả khiến cho khả năng chi trả của ngân sách nhà nước ngày một khó khăn đã được đưa ra bàn thảo nhiều ở các nghị trường. Thực tế thì những năm qua, mỗi lần tăng lương, tuy mức tăng không nhiều, nhưng đó là cả một sự băn khoăn, tính toán rất khó khăn, đau đầu các nhà quản lý, bởi số lượng công chức, viên chức hưởng lương là rất lớn. Cùng với đó, việc tăng cường tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy được các cấp, ngành, địa phương thực hiện trong nhiều năm qua, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.
Trong khi đó, việc tuyển dụng, đưa vào bộ máy hành chính những nhân lực yếu kém, không có năng lực trình độ, chuyên môn không phải là ít đã khiến công việc bị trì trệ, thiếu trơn tru, gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp, làm xấu hình ảnh người cán bộ, viên chức.
Chính vì vậy, quy định về không còn “viên chức suốt đời” được đưa ra với hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng chây ì, lười đổi mới, lười làm việc, cống hiến, xóa bỏ tư tưởng vào cơ quan nhà nước để được “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm.
Nhiều người cho rằng, quy định về bỏ “biên chế suốt đời” cũng cần được tính đến đối với cả công chức, như vậy mới có cơ hội, vị trí để thu hút được người có tài vào làm việc, đặc biệt là những vị trí quan trọng. Công chức nếu không làm được việc, không có chuyên môn tốt cũng cần có quy định cho nghỉ việc, chứ không thể “ngồi mát ăn bát vàng” như hiện nay.
Luật Viên chức vừa được thông qua tới ngày 1/7/2020 mới có hiệu lực. Theo quy định thì những viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020 vẫn là “viên chức suốt đời”, chỉ những người tuyển dụng sau ngày này mới ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian này các bộ, ban, ngành chức năng, địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm tránh tình trạng tăng tốc tuyển dụng “lách” quy định mới để được hưởng chế độ “viên chức suốt đời”.
Có thể thấy, việc Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó xóa “viên chức suốt đời” là một quyết định lớn, quan trọng, hợp lòng dân, được cử tri, người dân, dư luận đồng tình ủng hộ. Qua đó góp phần giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy hành chính các cấp, có thể loại bỏ những người không làm được việc, chuyên môn không tốt, từ đó tạo cơ hội, vị trí để tuyển dụng người tài, người có trình độ, nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, đất nước.
Thái Bình
Ý kiến ()