Xoá phao xốp trên biển
Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành phố trong cả nước có biển, với chiều dài 250km bờ biển, diện tích vùng biển khoảng 6.000km2. Đây là những tiềm năng, lợi thế rất lớn trong phát triển thủy sản nói riêng, kinh tế biển nói chung. Nhận thức rõ lợi thế này, thời gian qua cùng với quan tâm phát triển nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để bảo vệ môi trường biển, cùng với đó là tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Những năm qua, một điều dễ nhận thấy là đa phần người dân đều sử dụng phao xốp để làm vật liệu nổi cho các lồng bè, giàn treo nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Theo thống kê, hiện số lượng phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh là trên 3 triệu quả, trong đó riêng tại huyện Vân Đồn - địa phương có diện tích nuôi biển lớn nhất tỉnh là gần 2,7 triệu quả. Tuy nhiên, phao xốp là một trong những mỗi nguy đối với môi trường biển, sông ngòi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước. Thực tế cho thấy, phao xốp là loại vật liệu có độ bền thấp, sau thời gian sử dụng có tiếp xúc với môi trường, các mối ghép thường bị nứt vỡ làm xốp tan vỡ ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó việc thu gom những hạt phao xốp nhỏ gặp nhiều khó khăn vì chúng trôi nổi ở nhiều nơi.
Nhằm bảo vệ môi trường, nguồn lợi từ biển, hướng tới phát triển thủy sản bền vững giá trị cao, Quảng Ninh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các sở, ngành của tỉnh vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Một trong những chủ trương quan trọng mà tỉnh đặt ra là xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản, thay thế bằng phao nhựa HDPE. Quảng Ninh cũng là địa phương tiên phong trong cả nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản. Yêu cầu chính yếu của quy chuẩn là chuyển đổi toàn bộ phao xốp hiện có trong nuôi trồng thuỷ sản sang vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu có các thông số tương đương tổ chức FAO quy chuẩn cho HDPE.
Thực hiện chủ trương của tỉnh với lộ trình chậm nhất đến hết năm 2022, các địa phương hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch; thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn địa phương, hiện các địa phương, trọng điểm là huyện Vân Đồn đang quyết liệt trong việc đôn đốc các tổ chức, cá nhân chuyển đổi nhằm đảm bảo nuôi trồng bền vững. Để thực hiện đúng lộ trình, các địa phương, ban, ngành liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia nuôi trồng thủy sản hiểu rõ, hiểu đúng về tác hại, nguy cơ tiềm ẩn của vật liệu phao nổi xốp đối với môi trường tự nhiên, quá trình ô nhiễm còn ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng, chất lượng vật nuôi.
Tuy nhiên, thực tế tiến độ chuyển đổi từ phao xốp sang phao HDPE còn khá chậm. Theo ngành Nông nghiệp, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh cần phải chuyển đổi xong trên 2,7 triệu quả phao xốp còn lại, trong đó đến 2,5 triệu quả nằm ở huyện Vân Đồn. Như vậy số lượng phao xốp cần chuyển đổi là rất lớn. Nguyên nhân của việc chậm tiến độ được các địa phương cho là do vốn đầu tư ban đầu cho phao nhựa HDPE đối với người nuôi trồng thuỷ sản là khá lớn, trong khi nguồn thu giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Qua tính toán của các hộ nuôi trồng thuỷ sản, đầu tư phao nhựa HDPE cao hơn 2-3 lần so với phao xốp, hiện giá 1 quả phao nhựa dao động 70.000-80.000 đồng, trong khi phao xốp giá dưới 30.000 đồng. Trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này lại gặp không ít khó khăn.
Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE thì các địa phương có biển, đặc biệt là huyện Vân Đồn, cũng như đơn vị liên quan ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân vào cuộc, cũng cần có giải pháp gỡ khó trong huy động các nguồn lực, chính sách về vốn để hỗ trợ các hộ nuôi trồng thuỷ sản.
Có thể thấy, nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của Quảng Ninh. Tỉnh đang quyết tâm chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE xong trong năm nay nhằm bảo vệ môi trường biển, đảm bảo nuôi trồng thuỷ sản bền vững, qua đó tiếp tục đưa nuôi trồng thủy sản trở thành một lĩnh vực đóng góp cao vào tỷ trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Ý kiến ()