Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Thời gian qua, hoạt động xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo sát sao. Qua đó, hiệu quả, hiệu lực công tác lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước không ngừng được nâng lên, người dân và doanh nghiệp thuận tiện hơn.
Với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành; tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng; xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội và sự hài lòng của người dân trên địa bàn, Quảng Ninh tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Đầu năm 2023, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 17/02/2023 thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2023; Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 17/02/2023 triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tinh Quảng Ninh năm 2023…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện các kế hoạch, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Quảng Ninh đã cung cấp 1.462 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh (trong đó: 1.017 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 445 dịch vụ công trực tuyến một phần). Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tỉnh đã cung cấp 1.231 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 1.280 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó có 1.017 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 81%); đã tích hợp, kết nối 1.244 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên cổng Dịch vụ Công quốc gia.
Các địa phương, đơn vị liên quan cũng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện số hoá và tái sử dụng kết quả số hoá. Điển hình là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thực hiện số hóa được 10.234/13.219 hồ sơ (đạt 77,7%); đồng thời trả 4.951 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân. Ở cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hoá 13.421/18.873 hồ sơ (đạt 96,7%) và trả 7.608/13.424 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân (đạt 56,7%). Đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thiện việc kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Quảng Ninh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo khai thác được 20/20 trường thông tin do Bộ Công an cung cấp để hỗ trợ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ cán bộ trong việc không sử dụng sổ hộ khẩu giấy. Công tác an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh được bảo đảm.
Cùng với đó, việc áp dụng Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2015 tiếp tục được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xây dựng chuyển đổi áp dụng. Đồng thời, tỉnh đang chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Xây dựng hệ thống phần mềm ISO điện tử theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 vào hoạt động tại các cơ quan hành chính Nhà nước.
Những kết quả trên là nỗ lực của Quảng Ninh trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số nhằm chuyển đổi hoạt động quản lý điều hành của chính quyền dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính…. Qua đó, thực hiện cam kết của tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Ý kiến ()