
Vì mục tiêu hạnh phúc của người dân
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội bằng nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả.
Hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho người dân
Với phương châm “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, “Không ai bị bỏ lại phía sau”; thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa sinh kế; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; thực hiện các mô hình, tập huấn kỹ thuật…
Cùng với đó, tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực để tạo chuyển biến trên nhiều phương diện như: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi; hỗ trợ nhà ở; đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, BHYT…

Gia đình anh Phùn A Nhì (thôn Tân Sơn, xã Quảng Tân) trước đây là hộ nghèo của xã. Gia đình anh Nhì có 3 con nhỏ, trong đó 1 cháu bị mù bẩm sinh. Bản thân anh không có việc làm ổn định, vợ làm công nhân tại KCN Cảng biển Hải Hà. Kinh tế eo hẹp, anh Nhì thường xuyên phải làm thêm những công việc khác như phụ hồ, khuân vác thuê... nhưng hoàn cảnh gia đình cũng không khấm khá hơn.
Năm 2000, gia đình anh Nhì được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn vay 62 triệu đồng, gia đình anh đã mạnh dạn gây dựng nuôi bò, đồng thời làm mới công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Mô hình nuôi bò thành công, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt. Năm 2021 gia đình anh đã thoát nghèo và trở thành hộ cận nghèo. Năm 2023, gia đình anh Nhì tiếp tục được hỗ trợ vay 80 triệu đồng để xây nhà mới, xóa nhà dột nát và đã thoát diện cận nghèo.

Anh Phùn A Nhì chia sẻ: Hiện kinh tế gia đình tôi đang ngày một khấm khá hơn. Mô hình chăn nuôi bò đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhà cửa cũng khang trang, không còn lo sợ mưa bão nữa. Vợ chồng tôi cũng vì thế ngày càng yên tâm làm ăn hơn.
Nền tảng cho sự phát triển bền vững
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh. Các nghị quyết đã được nghiên cứu, xây dựng, ban hành phù hợp với thực tiễn xã hội địa phương. Trên cơ sở đó, từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ giải pháp đưa nghị quyết vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho đối tượng chính sách, nâng cao mức sống cho người dân.

Các địa phương tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, tạo kết nối giữa các vùng miền. Đến nay 100% xã có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; 100% xã duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện…
Năm 2024, tổng chi an sinh xã hội của tỉnh ước đạt 1.897 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023. Nhìn chung tập trung vào các chính sách về việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, công tác đền ơn đáp nghĩa, nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi...
Sự quan tâm về an sinh xã hội còn được tỉnh thực hiện trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và đã trở thành phong trào rộng khắp tại các vùng cao, miền núi, vùng DTTS. Triển khai thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh đã rà soát số lượng nhà cần hỗ trợ và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở giúp đỡ các gia đình trong quá trình thi công sửa chữa nhà ở, đảm bảo chất lượng công trình, giúp các hộ yên tâm ổn định cuộc sống.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh chỉ đạo thực hiện các hoạt động hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, gắn với phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2025”. Trong đó, tỉnh triển khai hỗ trợ về nhà ở cho 102 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh; xây mới, sửa chữa nhà ở cho 247 hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn. Đến nay, kinh phí đã giải ngân 9,16 tỷ đồng (đạt 54%), dự kiến hoàn thành chương trình trước ngày 30/10/2025.

Công tác đền ơn đáp nghĩa được tỉnh duy trì đảm bảo đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách. Toàn tỉnh hiện có trên 48.000 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng chính sách ưu đãi theo quy định. Trong đó, có trên 8.300 người có công trực tiếp với cách mạng (cán bộ lão thành, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học)… Điển hình như cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh đã khởi công dự án cải tạo, nâng cấp công trình tượng đài Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Văn Hiếu…
Thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; các giải pháp giảm nghèo đa chiều; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; quan tâm chăm lo phát triển giáo dục, y tế nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Ý kiến ()