
Xây dựng giá trị tinh thần
Trong xã hội hiện đại, việc tiếp thu tri thức, tiếp nhận và xử lý thông tin, tiếp xúc với các luận giải khác nhau về sự kiện - vấn đề - hiện tượng đã hoặc đang xảy ra, thỏa mãn và nâng cao năng lực, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách... là nhu cầu thiết yếu của sự phát triển xã hội -con người. Báo chí, văn học - nghệ thuật chính là các lĩnh vực vừa chứa đựng các giá trị tinh thần, vừa có khả năng tạo dựng hệ thống phương tiện trực tiếp đáp ứng nhu cầu đó.
Có thể khẳng định, xu hướng tiếp nối, đổi mới trên nền tảng truyền thống vẫn đang đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Quảng Ninh phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, kết hợp truyền thống và hiện đại. Dù viết về đề tài lịch sử, chiến tranh hay cuộc sống đương đại, các tác giả đã dựa trên nền tảng mỹ học truyền thống để lý giải và tìm câu trả lời cho những vấn đề của dân tộc, nhân sinh, góp phần đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái lạc hậu, thấp hèn, vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội, trong đó con người giữ vị trí trung tâm. Tác phẩm Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng là một trong những điển hình như vậy. Cùng với đó, việc mở rộng không gian văn hoá cũng được tăng cường.
Văn hoá Quảng Ninh với những nét đặc sắc riêng đã được kết nối, giao lưu với các địa phương, các vùng, các lãnh thổ thông qua các chương trình nghệ thuật, các mối quan hệ kết nghĩa, hợp tác toàn diện. Để Văn học nghệ thuật thực sự là lĩnh vực đặc biệt của đời sống tinh thần xã hội, trở thành động lực, sức mạnh nội sinh bền vững cho sự phát triển thì cần nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực. Một trong những giải pháp trọng tâm mà Quảng Ninh đã tăng cường thực hiện đó là phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người. Đặc biệt, với quyết tâm xây dựng xã hội học tập, tỉnh đang từng bước phát triển sâu, rộng văn hoá đọc để nuôi dưỡng tâm hồn cho mỗi người, giúp phát triển trí tưởng tượng và kích thích năng lực sáng tạo, tăng cường khả năng sử dụng ngôn ngữ. Cùng với đó, tỉnh đã có bước đột phá về cơ chế, chính sách để thu hút, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là trường Đại học Hạ Long, có chính sách ưu đãi tuyển sinh, đào tạo và giải quyết đầu ra cho sinh viên ngành văn học, nghệ thuật…
Nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển và nhiệm kỳ 5 năm (2015 - 2019) của Hội Văn học nghệ thuật có thể thấy rõ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở. Định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh luôn song hành với định hướng phát triển văn học nghệ thuật. Công tác quản lý, tạo môi trường phù hợp cho sáng tác, hưởng thụ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật luôn được triển khai có hiệu quả. Việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, say mê và tâm huyết với nghề luôn được chú trọng. Qua đó từng bước góp phần định hình những đặc trưng về văn hoá con người Quảng Ninh với các đức tính tốt đẹp như Năng động- Sáng tạo –Hào sảng – Lành mạnh – Văn minh –Thân thiện.
Thanh Phong
Ý kiến ()