
Xây dựng chính quyền số - Những kết quả đáng ghi nhận ở Vân Đồn
Xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện Vân Đồn hướng tới nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Huyện Vân Đồn đã tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan, đoàn thể. Theo đó, Vân Đồn tạo lập dữ liệu mở để dễ dàng truy cập, sử dụng và thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế. Huyện chủ động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ với tiêu chí nhanh, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Trong các nhóm nội dung này đều có các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện.

Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện Vân Đồn được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công việc, 100% các cơ quan thuộc UBND cấp huyện, xã có hệ thống mạng nội bộ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh được triển khai đồng bộ, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được liên thông 4 cấp và tích hợp ký số trên hệ thống. Đến nay, 100% các cơ quan đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy, trừ văn bản mật theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Vân Đồn cho biết: “Từ đầu năm 2025 đến nay chúng tôi đã tiếp nhận 4.525 hồ sơ, trong đó tiếp nhận mới 4.152 hồ sơ, kỳ trước chuyển sang 373 hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã giải quyết: 3.863 hồ sơ TTHC. Việc triển khai sử dụng thêm con dấu thứ 2 tại Trung tâm để thực hiện giải quyết TTHC theo nguyên tắc 5 tại chỗ “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả ngay tại Trung tâm”. Thực hiện các nhiệm vụ số hóa hồ sơ, ký số kết quả giải quyết TTHC gắn với ký số ở tất cả các bước theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử”...”.
Hạ Long là một trong những xã tiêu biểu của huyện Vân Đồn trong việc triển khai các hạng mục của chuyển đổi số, từ đó tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Theo đó, công tác tuyên truyền về chuyển đổi số được thực hiện đều đăng tải các văn bản chỉ đạo điều hành của Đảng uỷ, HĐND và UBND xã lên cổng thông tin điện tử, fanpage của xã. Tổng số tin bài, văn bản quý I là 414 tin bài, văn bản. Trong đó: Cổng thông tin đăng tải 51 tin và 243 văn bản chỉ đạo điều hành; fanpage 74 tin bài, trang Zalo OA: 46 tin bài. Quý I năm 2025 thực hiện duy trì mô hình truyền thanh thông minh tại các thôn đảm bảo công tác tuyên truyền hoạt động chính trị cũng như thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương.
Ông Đỗ Mạnh Ninh, Chủ tịch UBND xã Hạ Long cho biết: “Chúng tôi duy trì thực hiện hiệu quả việc cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử các phần mềm để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu thông tin trực tuyến, biểu mẫu điện tử trên cổng thông tin điện tử chính thức hoặc theo hướng dẫn tổ chức, cá nhân. Đồng thời kết nối các hệ thống thông tin của mình vào cơ sở dữ liệu quốc gia, của tỉnh, của huyện để truy nhập, trao đổi và chia sẻ dữ liệu. Quý I năm 2025 chúng tôi đã tiếp nhận 655 và giải quyết xong 655 hồ sơ”.

Đặc biệt, Phòng Kinh tế huyện Vân Đồn cũng chủ động phát triển các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc…trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Phòng cũng ứng dụng cảm biến cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nguồn nước để người dân chủ động triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, nuôi trồng thuỷ hải sản qua các nền tảng số. Hoạt động này giúp người nông dân chủ động ứng dụng công nghệ số, tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm...
Thời gian tới để xây dựng chính quyền số hiệu quả, góp phần vào việc phát triển nhiều lĩnh vực cho người dân và doanh nghiệp thì các ngành, địa phương của huyện Vân Đồn sẽ tiếp tục học tập, tham khảo các địa phương khác để có phương án xây dựng chính quyền số phù hợp với tình hình thực tế của mình.
Ý kiến ()