Vùng mỏ và bản sắc văn hoá truyền thống
Bản sắc văn hoá, nói một cách khái quát nhất, là cái cốt lõi đặc trưng riêng của một cộng đồng văn hoá trong lịch sử tồn tại và phát triển, nó giúp ta phân biệt cộng đồng ấy với các cộng đồng khác. Vậy bản sắc văn hoá truyền thống của Vùng mỏ là gì?
Để trả lời câu hỏi này, hãy ngược dòng lịch sử 78 năm về trước, ngày 12-11-1936, hơn ba vạn thợ mỏ Quảng Ninh đã tiến hành cuộc Tổng bãi công, đánh dấu một cái mốc quan trọng trong quá trình phát triển về chất, từ “tự phát” sang “tự giác” của phong trào công nhân Việt Nam nói chung, phong trào thợ mỏ nói riêng. Và trong cuộc đấu tranh này, khẩu hiệu “Kỷ luật - Đồng tâm” đã vang lên, trở thành phương châm hành động, là sức mạnh làm nên thành công của những người thợ trong suốt chặng đường cách mạng, giải phóng ách xiềng xích, giành độc lập tự do cho dân tộc. Cũng từ đó, “Kỷ luật - Đồng tâm” đã trở thành phẩm chất cao đẹp, là nét đặc trưng cốt lõi của không chỉ thợ mỏ, mà là của cả Vùng than Quảng Ninh. Nói vậy là bởi yếu tố “Kỷ luật - Đồng tâm” làm nên thành công của cuộc Tổng bãi công năm 1936 không chỉ thể hiện riêng với thợ mỏ, mà là của cả phong trào quần chúng thời điểm ấy ở Quảng Ninh. Ngoài ra, do lực lượng thợ mỏ chiếm tỷ lệ dân số đông, không mấy gia đình không có người làm thợ mỏ, nên phẩm chất “Kỷ luật - Đồng tâm” ban đầu là của những người thợ, dần trở thành của cả cộng đồng. Đây cũng là điều dễ hiểu...
Chúng ta đều biết, trong xu thế phát triển hội nhập, bản sắc văn hoá là cái cần phải xác định, để trên cơ sở đó làm cho nó phong phú hơn, phát huy hiệu quả thực sự trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay Quảng Ninh đang tập trung xây dựng thương hiệu du lịch cho riêng mình; và tất nhiên đó phải là cái mang tính “đặc trưng, cốt lõi” nhất của văn hoá cộng đồng. Với góc nhìn ấy, thiết nghĩ phẩm chất “Kỷ luật - Đồng tâm” cần được nhấn mạnh như một nét bản sắc văn hoá truyền thống của Vùng mỏ. Từ suy nghĩ ấy, ngẫm thấy việc lấy ngày 12-11-1936 làm ngày “Truyền thống công nhân mỏ - Truyền thống ngành Than” tất nhiên không có gì sai, nhưng không hiểu sao vẫn thấy “hoài cổ” khi nhớ về cái tên ngày “Vùng mỏ bất khuất” khi xưa; cái tên gọi ấy nhắc ta nhớ về một nét bản sắc văn hoá của không chỉ một giai cấp, một tầng lớp xã hội, mà là của chung cả cộng đồng dân cư...
Trung Luận
Ý kiến ()