Tại dự thảo mới nhất về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng hiện nay xuống còn 2 tháng, kể từ lần thay đổi gần nhất. Mức điều chỉnh giá sẽ được nhà chức trách đưa ra khi chi phí sản xuất điện biến động 2% trở lên, thấp hơn so với quy định 3% đang áp dụng.
Góp ý, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm được lấy theo số liệu từng quý. Tức mỗi 3 tháng, ngành điện sẽ tổng hợp số liệu một lần. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, để phù hợp với thời điểm tổng hợp số liệu, nhất là chi phí đầu vào sản xuất của ngành điện và thông lệ nghiệp vụ kế toán.
Giới chuyên môn trước đó cũng đề nghị ngành điện cần kiểm toán độc lập các chi phí đầu vào, quản lý kinh doanh trước khi điều chỉnh giá bán. Việc minh bạch này là cần thiết, giúp doanh nghiệp, người dân dễ dàng chấp thuận, không phản ứng trái chiều khi tăng giá.
Hiện giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 05/2024, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 3 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Nhưng quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Tháng 10/2024, giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, lên 2.103,11 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Trước đó, lý giải về thời gian điều chỉnh hai tháng một lần, Bộ Công Thương dẫn thống kê tình hình biến động của chỉ số giá than trên thế giới giai đoạn 2022-2024. Dữ liệu cho thấy giá than có thể tăng mạnh trong một tháng, lên tới 40%. Tương tự, các yếu tố như giá khí hóa lỏng (LNG) - loại nguyên liệu sẽ sử dụng nhiều thời gian tới, tỷ giá cũng là yếu tố có thể biến động mạnh trong thời gian ngắn. Do đó, cơ quan này cho rằng việc 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần như hiện nay không phản ánh kịp thời biến động các thông số đầu vào.
Cùng với thời gian, ngưỡng điều chỉnh tăng giá cũng được đề xuất rút xuống 2%, thay vì 3% như hiện tại. Nhà điều hành cho biết thay đổi này nhằm giúp giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh ở mức phù hợp và kịp thời hơn.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc này có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó trong dự trù và cân đối chi phí. Bởi thông thường, điện chiếm 4-10% trong cơ cấu giá vốn hàng bán của doanh nghiệp, tùy quy mô, lĩnh vực. Về lâu dài, giá điện theo thị trường, nhà điều hành cần sớm áp dụng cơ chế giá hai thành phần (giá công suất và điện năng), thay vì điều chỉnh tăng, giảm trong năm.
Ý kiến ()