Hạ Long: Giải bài toán thiếu khu vực đổ chất thải, vật liệu xây dựng
Tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hạ Long thường xuyên diễn ra tình trạng đổ trộm chất thải vật liệu xây dựng. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, cuối năm 2024, TP Hạ Long đã chủ động rà soát, lựa chọn vị trí tập kết lưu chứa chất thải rắn xây dựng phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.
Đi qua Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh B (phường Hà Khánh), không khó để bắt gặp tình trạng các đống rác thải, phế thải đang bủa vây, chất cao thành đống. Điều này đã khiến cho khu đô thị ngày càng trở lên nhếch nhác và ô nhiễm môi trường. Không chỉ có chất thải xây dựng, rác thải sinh hoạt mà còn có rất nhiều chất thải nguy hại, chất thải rắn như kính, thủy tinh, ắc-quy hỏng... bị đổ bừa bãi. Trong khi, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, những loại chất thải này phải thực hiện quy trình thu gom, xử lý nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường.
Những năm qua, mặc dù chủ đầu tư của khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh B đã thuê nhân viên bảo vệ nhưng do diện tích lớn, các tuyến đường thông nhau và các đối tượng thường lợi dụng trời tối, sáng sớm để chở phế thải ra đổ nên việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn. Trung bình cứ 2 tháng, công ty phải thuê máy xúc, ô tô, dọn dẹp đống phế thải mất khoảng 20 triệu đồng, và 120 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ như "muối bỏ bể", vì cứ dọn xong thì các đống rác mới lại xuất hiện. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại KCN Cái Lân, các khu đô thị chưa có nhiều nhà dân ở và các bãi đất trống trong các khu dân cư... Việc đổ thải diễn ra ngang nhiên và gia tăng đã làm mất mỹ quan đô thị và phát sinh nhiều hệ lụy trong việc quản lý chất thải rắn, chất thải xây dựng của thành phố.
Để hạn chế tình trạng này, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương của thành phố thường xuyên tuần tra, kiểm soát; tiến hành xử phạt nhiều đối tượng có hành vi đổ thải trộm. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa thể giải quyết triệt để vì tất cả các trường hợp khi bị phát hiện, xử phạt cũng bức xúc cho rằng, việc đổ trộm là câu chuyện “bất khả kháng” khi không biết phải mang các chất thải, phế thải đi đâu để đổ.
Trước yêu cầu bức thiết của nhân dân và doanh nghiệp, hiện thành phố đã thống nhất tạm thời sử dụng 11 vị trí đã được định hướng quy hoạch khu vực xử lý chất thải rắn xây dựng, 1 điểm quy hoạch đất cây xanh công cộng làm vị trí tạm trữ, lưu chứa chất thải rắn xây dựng, đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, thanh thải, phế thải xây dựng, đất, đá rời… dư thừa từ hoạt động xây dựng.
Cụ thể: Tại Khu xử lý chất thải rắn xã Hoà Bình; thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương; thôn 2, xã Dân Chủ; thôn 1, xã Quảng La; thôn Bằng Anh, xã Tân Dân; xã Đồng Sơn có 3 vị trí (thôn Phủ Liễn, thôn Tân Ốc 1, thôn Khe Càn); xã Đồng Lâm có 2 vị trí (thôn Đồng Quặng, thôn Đồng Trà); xã Kỳ Thượng có 2 vị trí (thôn Khe Phương, thôn Khe Tre); tại thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai; thôn Thác Cát, xã Hòa Bình; tổ 55 khu 6B, phường Hà Phong; thôn 3, xã Bằng Cả.
Cùng với những vị trí trên, TP Hạ Long đã xây dựng phương án, tiếp nhận lưu chứa nguồn vật liệu dư thừa tại vị trí được quy hoạch Khu xử lý chất thải rắn xây dựng tại xã Hòa Bình. Đồng thời, giao Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố bố trí lực lượng quản lý, giám sát việc tập kết, lưu chứa theo đúng phương án tiếp nhập; kịp thời phát hiện các đơn vị, chủ dự án được thống nhất giao mặt bằng tập kết lưu chứa chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo phương án tập kết, lưu chứa yêu cầu dừng vận chuyển tập kết tại khu vực lưu chứa. Về phía các phường, xã và các lực lượng chức năng có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên theo mô hình kinh tế tuần hoàn và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý, tuyệt đối không để xảy ra hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản trái phép, không để xảy ra vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, lãng phí.
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên môi trường thành phố, cho biết: Theo Điều 64 của Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND cấp tỉnh quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước. Do đó, thành phố đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định để địa phương có căn cứ thu phí các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quá trình tiếp nhận lưu chứa nguồn vật liệu dư thừa và bố trí lực lượng giám sát, quản lý.
Ý kiến ()