
Văn hóa - nguồn lực sáng tạo
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu, sáng tạo được xem là “động cơ” tăng trưởng, và là chìa khóa để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Tại Quảng Ninh, vùng đất sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú, được hun đúc qua cả nghìn năm lịch sử, không chỉ là niềm tự hào mà còn trở thành “mỏ vàng” nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo từ văn hóa. Từ đây, di sản đang dần được chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng, vừa giữ gìn hồn cốt truyền thống, vừa tạo nên dấu ấn mới trên thị trường, mở ra cơ hội phát triển kinh tế sáng tạo giàu tiềm năng.
Khởi nghiệp từ văn hóa
Khởi nghiệp từ sáng tạo văn hóa không chỉ đơn thuần là hoạt động kinh doanh, mà là hành trình gắn liền với trách nhiệm, tình yêu quê hương và khát vọng gìn giữ giá trị truyền thống. Khác với mô hình khởi nghiệp công nghệ có thể bứt phá nhờ những giải pháp đột phá, có khả năng tăng trưởng nhanh thì khởi nghiệp từ văn hóa đòi hỏi niềm tin, sự kiên trì và khả năng sáng tạo để làm mới di sản, đưa văn hóa đến gần hơn với đời sống hiện đại. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp trẻ chứng minh được văn hóa hoàn toàn có thể trở thành nền tảng tạo nên dấu ấn phát triển riêng, mở ra hướng đi bền vững giữa thị trường đầy cạnh tranh.

Một trong những mô hình tiêu biểu là Khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp Farm (xã Kỳ Thượng), đi vào hoạt động từ năm 2022. Từ một xã vùng cao xa xôi, còn nhiều khó khăn, Kỳ Thượng nay đã trở thành điểm đến đầy sức hút đối với du khách trong và ngoài nước nhờ mô hình du lịch gắn chặt với bản sắc văn hóa. Am Váp Farm không chỉ mang đến “làn gió mới” cho phát triển du lịch bền vững, mà còn là câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng khi khéo léo khai thác, lan tỏa giá trị văn hóa của đồng bào Dao Thanh Phán.
Đến với Am Váp Farm là bước vào một không gian “văn hóa sống”, nơi du khách vừa được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên vùng cao, vừa trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo được gìn giữ nguyên vẹn. Du khách được đón tiếp bởi chính người dân bản địa trong trang phục Dao truyền thống rực rỡ, tham quan nhà cộng đồng trưng bày nông cụ, trang phục, tìm hiểu nghệ thuật may và thêu trang phục Dao Thanh Phán đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, còn được hòa mình vào nhịp sống bản làng qua những trải nghiệm như hái măng rừng, đào khoai sọ, bắt ốc khe hay cùng dân bản chế biến các món ăn đặc sản địa phương.
Anh Lý Tài Ngân, Giám đốc Công ty CP Am Váp Farm, chia sẻ: Có lẽ ít ai hiểu được văn hóa và đời sống một cộng đồng bằng chính các thành viên đang sinh sống trong cộng đồng ấy. Vì vậy, ngay từ đầu khi bắt tay vào xây dựng Am Váp farm, tôi và các cộng sự đã xác định tạo nên một mô hình du lịch cộng đồng đúng nghĩa gắn liền với việc bảo tồn văn hóa, tức là phải phát huy vai trò chủ thể của người dân bản địa, để chính người dân tham gia và thu lợi từ hoạt động du lịch này, không ngừng gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa của quê hương.

Cũng với tinh thần khởi nghiệp từ văn hóa, CLB Xẩm Hạ Long đã trở thành điểm hẹn của những người yêu nhạc dân gian. Mỗi cuối tuần, tiếng trống phách, đàn nhị và những làn điệu xẩm đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ lại vang lên tại Hội quán Beverly Hills (phường Bãi Cháy). Không dừng lại ở việc truyền dạy, CLB đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu lớn hơn là đưa hát xẩm thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Quảng Ninh. Một số buổi biểu diễn xẩm thử nghiệm đã được tổ chức tại Bảo tàng Quảng Ninh, mang lại sự thích thú cho du khách, gợi mở góc nhìn về văn hóa Việt Nam từ nghệ thuật dân gian.
Anh Lê Minh Thứ, Phó Chủ tịch CLB Du lịch cộng đồng tỉnh và cũng là người sáng lập CLB Xẩm Hạ Long, chia sẻ: Chúng tôi cũng có ý định nhờ nghệ nhân viết những bài xẩm đặt lời mới, quảng bá những địa điểm du lịch và ẩm thực Quảng Ninh để CLB tập hát và biểu diễn cho khách du lịch trong thời gian tới. Qua đó, dùng âm nhạc dân gian để kể chuyện vùng đất, dùng di sản để tạo nên những trải nghiệm văn hóa, du lịch sống động.
Những mô hình như Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp Farm hay CLB Xẩm Hạ Long đã chứng minh di sản văn hóa không chỉ để lưu giữ, mà còn là chất liệu quý để sáng tạo, tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế sáng tạo. Trong bối cảnh hội nhập, ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc càng trở nên cần thiết. Đáng mừng là ngày càng nhiều người trẻ đã chọn văn hóa làm “chất liệu” cho khởi nghiệp, biến tình yêu nguồn cội thành động lực sáng tạo, góp phần lan tỏa những giá trị vô giá của dân tộc.
Những sản phẩm độc đáo
Trong dòng chảy kinh tế sáng tạo dựa trên văn hóa, di sản, ngày càng nhiều sản phẩm du lịch ở Quảng Ninh được thiết kế theo tinh thần vừa gần gũi với nhu cầu du khách hiện đại nhưng vẫn giữ trọn hồn cốt truyền thống. Từ đó, để di sản không chỉ được “ngắm nhìn” mà thực sự sống lại theo cách mới, trở thành nguồn lực phát triển bền vững.

Đầu tháng 6 vừa qua, show diễn thực cảnh “Đi tìm dấu ngọc” kết hợp ẩm thực được ra mắt tại hang Ngọc Rồng (hay Hang Dơi) thuộc Khu di tích và danh thắng Vũng Đục do Công ty CP Tập đoàn du thuyền cao cấp châu Á (APC Coropration) phối hợp cùng Công ty TNHH Hang Ngọc Rồng tổ chức thực hiện và khai thác. Lần đầu tiên tại Việt Nam, trên sân khấu độc đáo trong hang động, show diễn thực cảnh “Đi tìm dấu ngọc” được phát triển trên tinh thần sáng tạo văn hóa, tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, góp thêm trải nghiệm cho du khách, đồng thời góp phần mở rộng không gian du lịch kết nối Vịnh Hạ Long với Vịnh Bái Tử Long.
“Đi tìm dấu ngọc” là câu chuyện về những truyền thuyết thiêng liêng của cha ông, và tôn vinh những giá trị văn hóa giàu bản sắc của Quảng Ninh gắn với truyền thuyết rồng hạ tại khu vực Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long; tôn vinh tinh hoa văn hóa địa phương giàu bản sắc, là nơi hội tụ dòng chảy văn hóa lịch sử của văn hóa biển, văn hóa tâm linh, văn hóa Vùng mỏ…
Ông Nguyễn Văn Bằng (du khách Nghệ An), chia sẻ: Show diễn thực cảnh “Đi tìm dấu ngọc” thật sự là một màn trình diễn chạm đến mọi giác quan và cảm xúc. Từ hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại và những câu chuyện văn hóa đặc sắc được thể hiện thông qua sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa của loại hình trình diễn sân khấu với múa, xiếc tạo nên những khoảnh khắc mãn nhãn cho người xem. Đặc biệt, show diễn được tổ chức trong không gian hang động rất độc đáo, để lại cho du khách ấn tượng sâu sắc về chiều sâu văn hóa, nghệ thuật.

Các sản phẩm du lịch cao cấp trên vịnh cũng đang chuyển mình theo hướng lựa chọn những chất liệu văn hóa Việt mang đến trải nghiệm độc đáo, khác biệt cho du khách trên hành trình du lịch tại Quảng Ninh. Theo đại diện Paradise Việt Nam, dự kiến trong tháng 9/2025, đơn vị sẽ cho ra mắt sản phẩm du thuyền ngủ đêm Paradise Legacy trên Vịnh Hạ Long với 42 cabin. Điểm nhấn của du thuyền chính là các không gian tái hiện nét văn hóa, đời sống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cụ thể như: Phòng Gallery Suite được thiết kế, trang trí gợi ký ức nếp nhà Bắc Bộ; du khách được khoác lên mình những bộ cổ phục Việt Nam như áo dài ngũ thân để chụp ảnh kỷ niệm; thưởng thức tiệc trà chiều kiểu Việt kèm món ăn vặt với các loại bánh truyền thống... Các hoạt động trải nghiệm giúp du khách tương tác, tìm hiểu câu chuyện vùng đất qua ẩm thực, trang phục và phong tục. Hướng tiếp cận này kỳ vọng làm giàu chuỗi giá trị dịch vụ trên vịnh, đồng thời gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách.
Như vậy, di sản không còn nằm im trong bảo tàng hay trang sách, chúng đang bước ra đời sống, trở thành một phần của kinh tế sáng tạo và dấu ấn nhận diện của những điểm đến tại Quảng Ninh. Khi cộng đồng, doanh nghiệp và nhà quản lý cùng chung tay gìn giữ, làm mới và thương mại hóa văn hóa một cách tôn trọng thì văn hóa vừa được bảo tồn, vừa tạo sinh kế, vừa trở thành nguồn lực bền vững, tiếp sức cho Quảng Ninh trên hành trình phát triển sáng tạo trong thời kỳ hội nhập số.
Ý kiến ()