
"Mái nhà chung" của những người đam mê nghệ thuật truyền thống
Trong bức tranh sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật phong trào, CLB 19/5 (phường Cửa Ông) là một mái nhà chung của những tâm hồn giàu đam mê, luôn gìn giữ và lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Tại buổi giao lưu các CLB nghệ thuật do CLB Yêu tiếng hát quê hương (Trung tâm Văn hóa tỉnh) tổ chức ngày 18/7 vừa qua tại phường Bãi Cháy, 9 tiết mục của CLB 19/5 được trình diễn công phu, từ trang phục dân gian, đạo cụ đến dàn nhạc sống... đã gây ấn tượng mạnh với giới nghệ sĩ và khán giả. Điều đặc biệt, tất cả đều được các thành viên "tự biên, tự diễn" với tinh thần "cây nhà lá vườn" đầy tâm huyết.

Ông Vũ Ngọc Thấn, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: CLB được thành lập tháng 12/2020, với mong muốn có một nơi sinh hoạt chung, quy tụ những người thực sự yêu nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là dân ca, chèo, chầu văn…
Ý tưởng thành lập CLB bắt đầu từ tâm huyết của ông Thấn và sự hỗ trợ của ông Nghiêm Hải Sơn (Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh), người gắn bó lâu năm với phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương. Từ nhóm ban đầu 12 thành viên đam mê chèo cổ, quan họ, xẩm, hát văn…, CLB nhanh chóng được hình thành và phát triển với tinh thần tự nguyện, tự trang bị, tự tổ chức nhưng đầy trách nhiệm và gắn bó.
Không chỉ đắm say nghệ thuật, CLB còn chú trọng gìn giữ và lan tỏa giá trị truyền thống. Các thành viên được chia theo tổ chuyên môn như chèo, dân ca, xẩm, múa…, có người phụ trách hướng dẫn. Việc sinh hoạt theo địa bàn như Mông Dương, Cửa Ông... giúp duy trì đều đặn, tạo môi trường học hỏi, sẻ chia và cùng tiến bộ.
Dù hoạt động hoàn toàn tự nguyện, CLB vẫn tổ chức quy củ, bài bản nhờ chính sự đóng góp của thành viên. CLB kết nối qua nhóm zalo để sắp xếp lịch tập, đưa đón, sinh hoạt định kỳ luân phiên tại nhà thành viên. Trang phục biểu diễn như áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao... được các thành viên tự chuẩn bị và gìn giữ chu đáo. Thiết bị âm thanh, đạo cụ như: Trống phách, ghi ta lõm, đàn nguyệt, đàn bầu... cũng được CLB trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt cho biểu diễn lưu động. Chất lượng nghệ thuật của CLB 19/5 được củng cố nhờ những người giàu kinh nghiệm hướng dẫn kỹ năng, đào tạo cơ bản và cấp chứng chỉ. Nhờ vậy, nhiều thành viên từ chưa biết hát đã thể hiện mượt mà làn điệu dân ca cổ.
CLB 19/5 còn là sân chơi, đầu mối giao lưu văn nghệ tích cực với các CLB trong tỉnh. Đến nay, CLB có 23 thành viên, phần lớn là hội viên Hội VHNT tỉnh. Nhờ đó, không gian biểu diễn của CLB ngày càng mở rộng từ hội trường khu phố đến sân đình, hang Vũng Đục, các đơn vị ngành Than… Mỗi buổi giao lưu là dịp để học hỏi, nâng cao trình độ và tạo kinh phí hoạt động. CLB còn tích cực phục vụ cộng đồng, tham gia và đoạt nhiều giải cao tại liên hoan tiếng hát khu dân cư, liên hoan cấp tỉnh và khu vực Đông Bắc, nhiều lần đạt giải nhì, giải ba với các tiết mục đậm chất dân gian.

Dẫu phần lớn thành viên đều trung niên, cao tuổi, nhưng mỗi buổi sinh hoạt lại mang đến nguồn năng lượng tươi mới, sự lạc quan và tinh thần gắn kết. Với trung bình 15-20 chương trình biểu diễn mỗi năm, CLB không chỉ là sân chơi văn nghệ mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến cộng đồng. "CLB nhanh chóng trở thành điểm hẹn của những người yêu nghệ thuật truyền thống. Các buổi diễn được dàn dựng công phu, thu hút đông đảo người dân và du khách, thể hiện sự trưởng thành và sức lan tỏa rõ nét của CLB" - ông Nghiêm Hải Sơn nhận định.
Trong dòng chảy sôi động của đời sống hiện đại, CLB 19/5 vẫn vững vàng như một nhịp cầu kết nối quá khứ và hiện tại, gìn giữ vẻ đẹp truyền thống trong từng lời ca, điệu múa, lan tỏa giá trị nghệ thuật đến với thế hệ hôm nay và mai sau.
Ý kiến ()