Văn hoá đọc thời công nghệ số
Chúng ta đều biết ngày nay, công nghệ thông tin bùng nổ đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó, có việc đọc sách. Không thể phủ nhận, thời đại công nghệ số mang đến nhiều tiện ích, kích thích nhu cầu đọc, nâng cao khả năng - cơ hội đọc, tạo lập một nền tảng đọc như là một giá trị văn hóa.
Theo các nhà nghiên cứu, văn hoá đọc được hiểu là một khái niệm có hai nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân gồm thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Trước đây, nói đến đọc sách được hiểu theo nghĩa đen là người đọc và đối tượng là tiếp xúc trực tiếp với các cuốn sách (gọi chung là tài liệu giấy). Những năm 80 của thế kỷ trước trở về trước, đọc sách thường phải tới mượn thư viện hay thuê từ các hiệu sách. Một cách khác là truyền tay mượn từ bạn. Hình ảnh những cô gái ngồi bên cửa sổ, hay dưới giàn hoa đọc sách trở nên thơ mộng qua những tác phẩm văn học, thi ca, nghệ thuật.
Nay thì đã khác, sự phát triển của công nghệ số đã mở ra những cơ hội cho người đọc trong việc tiếp cận với nguồn tri thức phong phú vô tận trên kho tài nguyên internet. Người ta vẫn nói vui, ví rằng cả thế giới được thu vào chỉ trong chiếc điện thoại thông minh. Công nghệ thông tin phát triển để đọc sách điện tử ra đời. Tuy có chút rườm rà khi người đọc phải tải sách về, phải đầu tư thiết bị chuyên dụng để đọc nhưng bù lại ebook (sách điện tử) cho người xem cảm giác gần như đọc sách giấy và có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Đọc sách trực tuyến trên web thì đơn giản hơn, nhưng không có cảm giác như xem sách giấy, đọc lâu sẽ mỏi mắt hơn và phải có internet. Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là người đọc có thể có ngay cả kho sách trong tầm tay, thậm chí có thể tương tác với tác giả hoặc những người có cùng sở thích về tác phẩm.
Những trang web như một thư viện trực tuyến được nhiều người yêu thích hiện nay truy cập nhiều như gacsach.com, waka.vn, sachtot.vn... Chưa kể các ứng dụng sách nói đa dạng, dễ dàng cài đặt trên các thiết bị thông minh như BookMobile, Vina reader, Audible, Spotify... Bạn đọc chỉ cần truy cập ứng dụng, chọn tác phẩm. Thậm chí, không cần đọc, chỉ nhấn nút là chỉ việc nghe. Ngày nay, người đọc có thể dễ dàng tìm thấy những cuốn sách đông tây kim cổ trên các trang mạng để có thể chọn lựa, kể cả những cuốn văn học kinh điển như Cuốn theo chiều gió, Trăm năm cô đơn, Hai số phận, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Nhà thờ Đức Bà Paris, Tam quốc diễn nghĩa, Tây Du ký...
Việt Nam hiện có khoảng 75 triệu người dùng mạng internet, trong đó giới trẻ chiếm đa số. Đây cũng là lực lượng chiếm số đông của đọc sách. Hình ảnh quen thuộc thường thấy ở mọi lúc, mọi nơi (tất nhiên là khu vực có sóng 3G, 4G, internet), phổ biến những người trẻ là vật bất ly thân trong tay là chiếc điện thoại thông minh. Giải trí, nghe nhạc, tìm kiếm thông tin... Tất cả chỉ trong một vài nút bấm. Nhiều người được hỏi cho rằng đọc sách điện tử giúp họ tiết kiệm thời gian do tìm kiếm nhanh hơn, tiện dụng hơn.
Số khác thì cho rằng tiện ích thật nhưng đọc sách điện tử cũng có mặt tiêu cực cũng ở cái nhanh và tiện ấy, nó cũng đánh mất cái hồn của tác phẩm văn học. Đối với sách văn học, cầm một cuốn sách thật hay, lựa chọn không gian yên tĩnh, vẫn thấy nó có không khí văn chương giúp tiếp cận gần hơn với thế giới nhân vật, không gian nghệ thuật mà tác phẩm ẩn chứa. Dù vậy, thì đọc sách điện tử rõ ràng nó đã và đang là một nhu cầu, xu hướng tất yếu trong thời đại kỷ nguyên số như hiện nay.
Ý kiến ()