Văn hoá công sở
Mục đích của việc ban hành Quy chế văn hoá công sở là nhằm yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức phải phục vụ nhân dân, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, một số quy định trong Quy chế như: Trang phục cán bộ, công chức phải gọn gàng, lịch sự; phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ; trong giao tiếp ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự tôn trọng, ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát lạt; phải nhã nhặn lắng nghe ý kiến nhân dân, hướng dẫn giải thích rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến công việc; cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; không lập bàn thờ, thắp hương, không đun, nấu trong phòng làm việc; cơ quan có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của khách và người dân đến giao dịch làm việc, không thu phí gửi xe...
Những điều được quy định trong Quy chế tưởng như rất đơn giản, hiển nhiên mà bất kỳ cán bộ, công chức, viên chức nào cũng phải tự giác thực hiện, chấp hành. Vậy thì tại sao Thủ tướng Chính phủ phải ban hành Quy chế văn hoá công sở? Bởi thực tế có nhiều cơ quan hành chính nhà nước đã không xây dựng được nếp sống văn hoá trong cơ quan, đơn vị mình. Tình trạng coi nhẹ tính phục vụ, nặng về ban phát, hành dân khi người dân có yêu cầu còn khá phổ biến. Đó là chưa kể nhiều cán bộ, công chức còn cố tình gây khó để vòi vĩnh, ra điều kiện với dân khi giải quyết công việc để vụ lợi cá nhân. Không ít người còn ăn mặc thiếu lịch sự, rượu chè bê tha trong giờ làm việc... Chính những điều này đã khiến người dân “sợ” khi có việc phải đến các cơ quan công quyền.
Quy chế văn hoá công sở đã được ban hành và có hiệu lực thi hành. Các cơ quan hành chính nhà nước cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quy chế này. Người dân hãy theo dõi, giám sát và phản ánh những trường hợp vi phạm Quy chế với cơ quan chức năng và cơ quan báo chí để Quy chế thực sự phát huy tác dụng trong cuộc sống và cũng để nhằm xây dựng các cơ quan hành chính nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Ý kiến ()