Vai trò nhà nước và quyền tự do kinh doanh
Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế - Nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh” do Tỉnh uỷ Quảng Ninh và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức ngày 11-10 đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tham luận tại hội thảo của PGS.TS Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã nhấn mạnh: Quảng Ninh đang trên lộ trình đổi mới tư duy quản lý nhà nước theo cách can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế sang kiến tạo phát triển. Đây là nhận định mới, phát triển trên cơ sở nội dung Kết luận số 103-KL/TW ngày 29-9-2014 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại Kết luận số 103-KL/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá: Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường kinh doanh chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Quản lý, điều hành giá cả một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu còn lúng túng, chưa thực sự tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước vẫn có vai trò can thiệp trực tiếp, quá lớn vào nền kinh tế với tư cách là chủ đầu tư công và chủ sở hữu doanh nghiệp… Trong khi đó doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được đầy đủ vai trò nòng cốt trên thực tế.
Như vậy vai trò của nhà nước được xác định như thế nào để quyền tự do kinh doanh của người dân được phát huy là điều mà hội thảo nói trên phải chỉ ra được.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá X, một trong những nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 103-KL/TW là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục điều chỉnh, hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của các cấp uỷ, chính quyền trong phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; thiết lập khung khổ pháp luật, chính sách và bộ máy thực thi bảo đảm các loại thị trường liên tục được hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả, có cạnh tranh công bằng, bình đẳng và kiểm soát hiệu quả độc quyền kinh doanh dưới mọi hình thức.
Quảng Ninh đã thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua xây dựng và thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế”. Nhiệm vụ công tác năm 2014 của Quảng Ninh cũng tập trung chủ đề: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế và đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tỉnh Quảng Ninh còn chủ động xây dựng các đề án, mô hình phát triển mới cùng với các đề xuất cải cách thể chế, quyết liệt chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược.
Nội dung “đồng hành cùng doanh nghiệp” được các cấp chính quyền, đoàn thể của Quảng Ninh thực hiện bằng cách chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; mở hội nghị gặp gỡ trao đổi giữa lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, công bố quy hoạch…
Trong “đồng hành cùng doanh nghiệp”, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Ninh luôn đảm bảo quyền tự do kinh doanh, đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong kinh doanh.
Với việc xây dựng các quy hoạch chiến lược, đề xuất cải cách thể chế, Quảng Ninh đã thực sự đổi mới tư duy quản lý nhà nước về kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Nguyên Đan
Ý kiến ()