
Đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân
Tiếp tục hoàn thiện Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh, phục vụ đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xây dựng NTM nâng cao, các địa phương trong tỉnh đã chủ động bố trí vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Thực hiện mục tiêu của tỉnh đến hết năm 2025, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 95-98%, đến năm 2030 phấn đấu đạt 100%, năm 2024, huyện Hải Hà đã đầu tư hơn 23 tỷ đồng để thực hiện công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Đức. Công trình gồm hệ thống bể chứa, xử lý nước và hàng nghìn mét đường ống chính, đường ống nhánh đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các địa phương trên. Cuối năm 2024, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã mang lại những đổi thay tích cực trong đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ông Vi Văn Chè, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phong cho biết: Trước đây, nhân dân trong xã phải đào giếng khơi, xây bể chứa nước mưa để sử dụng vì không có nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, vào mùa khô, tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng, khiến đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi huyện đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhân dân rất phấn khởi vì có nước sạch sử dụng quanh năm. Nhiều hộ đã đầu tư xây dựng công trình bếp, vệ sinh khép kín, vừa tiện lợi, sạch sẽ, vừa đảm bảo sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tháng 1/2025, huyện Đầm Hà đã khánh thành và đưa vào khai thác 2 công trình cấp nước sạch cho các thôn, bản trên địa bàn xã Quảng An và Quảng Lâm. Công trình bao gồm 2 trạm xử lý nước công suất 30m³/h và hệ thống đường ống truyền tải HDPE cung cấp nước sạch cho 1.200 hộ dân với khoảng 4.800 nhân khẩu và cho các trường tiểu học, mầm non, THCS, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn 2 xã. Tổng kinh phí đầu tư 2 công trình là 27,6 tỷ đồng.
Việc đưa vào sử dụng 2 công trình cấp nước sạch tại xã Quảng An và Quảng Lâm đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại huyện Đầm Hà.

Giai đoạn 2024-2025, tỉnh phấn đấu xây mới 20 công trình cấp nước nông thôn; cải tạo, nâng cấp 13 công trình cấp nước tập trung nông thôn đã đầu tư đạt QCVN 2018/BYT, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho gần 21.800 hộ dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp và đưa vào sử dụng 16 dự án, công trình nước sạch, với tổng kinh phí 81,108 tỷ đồng, phục vụ đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS, như: Công trình nước tập trung thôn Ngàn Mèo - Khau Pưởng - Nặm Tút, xã Lục Hồn, công trình nước tập trung thôn Pắc Cương, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu); công trình nước sạch thôn Khe Mươi xã Đại Dực, công trình hạ tầng đường ống, bể, bơm tăng áp cấp nước sạch thôn Nà Bấc, xã Đông Hải, hệ thống cấp nước sạch thôn Đồng Mộc - Quế Sơn, xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên); Dự án nâng cấp nước sinh hoạt Khe Lầm phục vụ các thôn Khe Mằn, Làng Cổng, Nà Bắp, Lang Cang, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ); công trình đầu tư đường ống cấp nước sạch trục chính vào trung tâm 2 xã Bình Dân và Đài Xuyên, dự án nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn)...
Để phát huy hiệu quả các công trình sau đầu tư, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thói quen sử dụng nguồn nước giếng khoan, giếng đào và hệ thống nước tự chảy không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, chuyển sang đấu nối, sử dụng nước sạch.
Với sự quan tâm đầu tư hiệu quả, hết quý I/2025, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt 99,99%. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 2018/BYT đạt 89%. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất.
Ý kiến ()