Từ hòn Hòn Phụ Tử ...
Rạng sáng ngày 9-8, tại khu du lịch Hòn Chông - di tích thắng cảnh cấp quốc gia, thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đã xảy ra một sự cố gây chấn động dư luận: “hòn Phụ” (hòn lớn) của hòn Phụ Tử bất ngờ gãy đổ xuống biển!
Ngay chiều 9-8, ông Lê Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo nhanh gửi đến Văn phòng Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thông tin và đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin cử chuyên gia giúp tỉnh xử lý, có phương án tôn tạo hòn Phụ Tử. Tin mới nhất là “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy (TP Hồ Chí Minh) cho biết có thể phục dựng nguyên trạng hòn Phụ Tử.
Từ sự sụp đổ của hòn Phụ của hòn Phụ Tử, chúng ta nhận thấy trên Vịnh Hạ Long có nhiều hòn mang tính biểu tượng như hòn Trống Mái, hòn Đỉnh Hương... cũng bị ăn mòn bởi sóng biển. Và nếu những hòn này ở Vịnh Hạ Long bị sụp đổ thì sẽ ra sao? Chiều 11-8, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có trao đổi vấn đề này với ông Ngô Hùng, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì được biết “UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý để Ban Quản lý Vịnh xây dựng dự án quan trắc môi trường”. Và “hiện tại, Ban đang hợp tác với Trường Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội đưa những thiết bị quan trắc hiện đại để khảo sát, đánh giá sự biến động của bề mặt của lớp đá vôi và các hang động trên Vịnh. Trong quá trình quan trắc, nếu phát hiện những giá trị nào của Vịnh Hạ Long có nguy cơ bị đe dọa thì Ban Quản lý Vịnh sẽ phối hợp với các chuyên gia có biện pháp can thiệp, gia cố kịp thời, tránh để xảy ra sự cố tương tự như hòn Phụ Tử tại tỉnh Kiên Giang thời gian vừa qua”.
Mặc dù ông Ngô Hùng đã khẳng định “có biện pháp can thiệp, gia cố kịp thời”, song mọi người vẫn không yên tâm. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long nên có quy định việc tham quan các hòn đảo đặc thù này. Ví dụ như không được cho tàu, thuyền cập sát vào, hoặc không được trèo lên, hoặc tác động nào đó khi tổ chức tham quan. Ai dám chắc sự vĩnh cửu của các hòn khi chân đã bị nước biển bào mòn? Nên thế những hòn đảo đặc thù này phải có phương án cụ thể để bảo vệ tuyệt đối.
Ý kiến ()