Quảng Ninh có gì mà liên tiếp các đoàn công tác cấp cao trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước đến làm việc, học tập, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm? Câu trả lời, đó là nơi mà khát vọng phát triển đã và đang được chuyển hóa một cách thông minh, không bị mâu thuẫn, không bị xung đột, những việc mà địa phương khác cho là “nhạy cảm” thì Quảng Ninh lại tiên phong đột phá, tạo ra những mô hình đổi mới thực sự hiệu quả và lan tỏa.
Sau cơn bão số 4, thời tiết đang thuận lợi cho các nhà thầu thi công cầu Bạch Đằng hoàn thành những phần việc cuối cùng để chuẩn bị thông cầu, thông cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đúng vào kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2 – 9. Tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước được thực hiện bằng nguồn ngân sách địa phương và hợp tác công – tư, niềm tự hào của người dân Vùng mỏ, thành quả của cách làm mới, tư duy mới Quảng Ninh. Tuyến cao tốc dài 25km không chỉ là con đường khởi đầu cho sự phát triển mới trong kết nối liên hoàn các vùng trọng điểm kinh tế của khu vực phía Bắc, miền Trung mà còn là một điển hình của giải phóng nguồn lực để nhà nước- doanh nghiệp và người dân cùng làm những công trình mang tính động lực lan tỏa kết nối vùng.
Cầu Bạch Đằng dự án thành phần trong Dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được thực hiện bằng hình thức đầu tư BOT. |
Xin được sử dụng ngân sách tỉnh thay vì trông đợi ngân sách trung ương để làm đường cao tốc - câu chuyện bắt đầu từ Quảng Ninh. Đó là, năm 2013, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, cho phép tỉnh được dùng tiền từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vượt thu hàng năm, phần trung ương trả nợ ngân sách tỉnh đã ứng trước thực hiện dự án giao thông khác trước đó, tiết kiệm chi hàng năm, với tổng số khoảng 6.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, nối vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Riêng với hạng mục dự án cầu Bạch Đằng (thuộc tổng thể dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng) sử dụng vốn theo hình thức BOT.
Năm 2014, dự án được khởi công xây dựng với tổng nguồn vốn cả đường và cầu gần 14.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng) và giữa những ngày tháng Tám lịch sử năm 2018 tuyến cao tốc đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành, cầu Bạch Đằng nối giữa 2 cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và Hà Nội – Hải Phòng đã vươn mình soi bóng trên dòng sông huyền thoại. Sau ngày 2 - 9 năm nay – ngày thông cao tốc, thông cầu Bạch Đằng thì thời gian từ TP Hạ Long đi Hà Nội chỉ còn 1,5 tiếng (giảm 2 tiếng so với đi QL18A), chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm 2/3.
Đây sẽ là cơ hội rất lớn để có thể tăng nhanh được lượng khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Vịnh Hạ Long, giải được e ngại của các nhà đầu tư về khoảng cách di chuyển từ thủ đô đến Hạ Long. Đối với việc vận chuyển hàng hóa khi cao tốc Hạ Long- Hải Phòng hoàn thành thay vì trước đây các chủ hàng container phải đi gần 80km vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu sang cảng Hải Phòng nay sẽ chỉ phải đi 25km đường cao tốc êm thuận, như vậy khối lượng hàng hoá trên tuyến này chắc chắn sẽ tăng nhanh nếu không muốn nói là bùng nổ.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ đón chuyến bay thương mại vào cuối năm 2018. |
Nhìn rộng ra cả nước thì đến thời điểm này, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên xây dựng cơ chế, đề nghị Chính phủ cho phép tự đầu tư làm đường cao tốc, sân bay, hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn tự huy động. Với gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện GPMB và trên 32.500 tỷ đồng huy động đầu tư theo hình thức BOT, Quảng Ninh đã làm được Cảng hàng không, gần 100 km đường cao tốc. Đồng thời chủ động xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, tính từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được gần 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng cách lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư (1 đồng ngân sách lôi kéo thu hút được 8,3 đồng đầu tư ngoài ngân sách) PPP Quảng Ninh không chỉ giải tỏa cơn khát hạ tầng cho chính Quảng Ninh mà còn là cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2915 về đầu tư theo hình thức đối tác công- tư.
Các nhà nghiên cứu về phát triển đều cho rằng, đến thời điểm này các tiềm năng tĩnh đã tới giới hạn, phải chuyển sang các tiềm năng động là sự sáng tạo, thể chế, mô hình để tạo ra một cú huých mới. Vận vào Quảng Ninh để thấy rằng khát vọng sáng tạo được thực hiện trong thời gian qua như cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, biên chế, sử dụng linh hoạt các hình thức đầu tư… là bước chuyển ngoạn mục vượt qua giới hạn về tư duy, tầm nhìn trong sử dụng các tiềm năng tĩnh để khơi gợi được những tiềm năng động trong nguồn lực con người, xã hội. Những khát vọng sáng tạo được thể hiện bằng hành động thực tế đã và đang mang lại cho Quảng Ninh những kết quả vượt trội về hạ tầng, về tư duy, về con người.
Đó là, đứng vững trong top 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách cao nhất cả nước nhiều năm liền, 3 đột phá chiến lược của Đảng tiếp tục được tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả, sáng tạo. Sự chuyển động của cả bộ máy sang chính quyền phục vụ, kiến tạo đã được Quảng Ninh triển khai thực hiện rất quyết liệt và hiệu quả từ tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước qua mô hình Trung tâm hành chính công (tỉnh duy nhất đến thời điểm này được Chính phủ cho thí điểm thành lập trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh, 14 trung tâm hành chính công các địa phương liên thông với 1 cửa hiện đại ở xã, phường, thị trấn), thành lập cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư chuyên biệt trực thuộc trực tiếp UBND tỉnh, kết nối cơ chế một cửa hiện đại từ trung tâm hành chính công các huyện đến các xã, xây dựng nông thôn mới một cách toàn diện về đích trước cả nước 5 năm…
Đối với công tác kiểm tra, giám sát; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tập trung lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, được nhân dân quan tâm. Trong ban hành các quy chế, quy định, cấp ủy các cấp đã tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế về lề lối, mối quan hệ làm việc; xây dựng chương trình công tác toàn khóa và hằng năm... đảm bảo nguyên tắc tổ chức của Đảng. Đặc biệt trong cơ chế cấp phát, phân bổ ngân sách Nhà nước đã có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng tỉnh, huyện không giao cục tiền cho đơn vị mà là đặt hàng sản phẩm.
Gần 5 năm qua, việc tinh giản, hợp nhất, giúp việc chung, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND hoặc HĐND, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố… đã rất quen thuộc với Quảng Ninh. Hiệu quả của thí điểm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tại Quảng Ninh đã được khẳng định bằng chính kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, về đời sống người dân, sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, lòng tin của nhân dân được tăng lên… Từ đây nguồn lực con người, nguồn lực xã hội đã được khơi thông.
Với hàng trăm ngàn tỷ đồng của các tập đoàn đầu tư chiến lược đổ vốn vào Quảng Ninh, những dự án “khủng” mang giá trị tỷ đô đã và đang được thực hiện từ Đông Triều đến Móng Cái đã khẳng định tư duy, cách làm, tầm nhìn của Quảng Ninh trong thời kỳ chuyển từ khai thác các tiềm năng tĩnh sang khơi thông tiềm năng động là sự sáng tạo, thể chế, mô hình để tạo ra một cú huých mới.
Bài, ảnh: Ngọc Lan
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()