Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký: Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” là sức mạnh nội sinh của miền Mỏ bất khuất
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11 (1936 – 2021), ngày 7/11, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tới thăm khu Miếu Mỏ - Di tích lịch sử Địa điểm khai thác tấn than đầu tiên Việt Nam tại xã Yên Thọ (TX Đông Triều) và xuống giếng Vàng Danh gặp gỡ, động viên cán bộ công nhân đang trực tiếp lao động sản xuất tại đơn vị khai thác 7 (Công ty Cổ phần than Vàng Danh – Vinacomin). Cùng đi có các đồng chí: Cao Tường Huy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Theo những cứ liệu lịch sử ghi chép lại, ngày 10/1/1840, tức ngày 6 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho phép Tổng đốc hạt Hải Yên, vùng Quảng Ninh ngày nay, là Tôn Thất Bật khai thác than đá ở Đông Triều, trước thời điểm người Pháp phát hiện ra than đá tại vùng mỏ Đông Triều (Quảng Ninh).
Để ghi nhớ sự kiện lịch sử của ngành khai thác than, năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận Di tích Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, thuộc thôn Trại Hà, xã Yên Thọ, TX Đông Triều là Di tích cấp tỉnh. Đây là một quần thể di tích, gồm di tích Miếu mỏ rộng 40ha và di tích đền Bà Chúa Kẽm, rộng 3,5ha.
Quần thể di tích mang ý nghĩa quốc gia, dân tộc; đồng thời, có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, những người thợ mỏ qua các thế hệ nói riêng, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh và Việt Nam nói chung.
Trân trọng tưởng nhớ những người thợ đã đặt nhát cuốc đầu tiên khai sinh ra ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh và những thế hệ thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than của Tổ quốc, trong không khí trang nghiêm, thành kính, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị đã dâng hương tưởng nhớ, thể hiện sự thành kính tri ân sâu sắc và nguyện đem hết sức mình cống hiến cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Bày tỏ sự xúc động trước truyền thống quý báu của giai cấp công nhân tỉnh Quảng Ninh nói chung và ngành Than nói riêng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cùng với Quảng trường 12/11 ở TP Cẩm Phả, ghi dấu nơi diễn ra cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936, Di tích Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam ở vùng than Đông Triều mãi là niềm tự hào về lịch sử hình thành giai cấp công nhân mỏ và truyền thống lịch sử công cuộc khai mỏ của các thế hệ thợ mỏ ngành Than Việt Nam. Đây không chỉ là công trình mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh, nhớ về cội nguồn, mà còn là sự nhắc nhở các thế hệ ngành Than hôm nay và ngày mai luôn chăm lo tốt hơn đến người lao động, đưa ngành Than phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhắc lại lời Bác Hồ đã từng căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các thế hệ cán bộ, công nhân trong toàn ngành Than tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thi đua lao động sản xuất, lập nhiều thành tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngành Than tiếp tục quan tâm xây dựng Di tích Miếu Mỏ linh thiêng tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa, đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ về nguồn của ngành Than, để lớp lớp các thế hệ thợ mỏ nhớ về lịch sử, tìm về cội nguồn, từ đó không ngừng hun đúc và làm sáng ngời thêm truyền thống tự hào của thợ mỏ vùng than.
Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công nhân Mỏ, truyền thống ngành Than, trong sáng 7/11, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp xuống thăm, gặp gỡ, động viên và tặng quà các thợ mỏ Phân xưởng khai thác 7 tại vị trí Lò chợ II-5-2a, mức +70 đến 105 Giếng Vàng Danh – đây là một trong những phân xưởng tiêu biểu của Than Vàng Danh trong thi đua lao động sản xuất. Chỉ trong 10 tháng năm 2021, sản lượng sản xuất của phân xưởng đã đạt và vượt kế hoạch cả năm đề ra, đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty.
Cũng nhờ làm tốt công tác đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, Công ty Than Vàng Danh - đơn vị anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới – đơn vị có truyền thống đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ quản lý cấp cao của Tập đoàn và lãnh đạo tỉnh đã không ngừng nâng cao năng suất lao động, nâng cao mức độ an toàn, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu lao động thủ công trong các công đoạn khai thác, đào lò, vận tải hầm lò. Nhiều năm trở lại đây, đơn vị luôn đạt sản lượng trên 3 triệu tấn - là mỏ có sản lượng than hầm lò lớn nhất Tập đoàn. Riêng trong 10 tháng năm 2021, sản lượng Than nguyên khai của đơn vị đạt trên 3,26 triệu tấn, dự kiến cả năm 2021 đạt 3,75 triệu tấn; tiêu thụ 10 tháng đạt xấp xỉ 2,7 triệu tấn, dự kiến cả năm đạt 3,28 triệu tấn; thu nhập tiền lương bình quân đạt trên 16,6 triệu đồng/người/tháng, trong đó, nhiều thợ mỏ đạt mức thu nhập trên 350 triệu đồng một năm.
Trò chuyện trực tiếp với người thợ mỏ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ niềm vui, tự hào trước khí thế lao động sản xuất của đội ngũ thợ mỏ Phân xưởng khai thác 7 nói riêng và Công ty Than Vàng Danh nói chung.
Mặc dù, phải liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 tới nay, nhưng những người thợ mỏ vẫn luôn đoàn kết, cố gắng nỗ lực vượt bậc để căng mình phòng, chống dịch bệnh và hăng say, miệt mài lao động, giữ vững nhịp độ sản xuất và khí thế sản xuất, góp phần quan trọng để Quảng Ninh thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Qua đó, càng thấy trong những lúc khó khăn, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ lại được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi người thợ mỏ cũng phải là một chiến sỹ vừa thi đua lao động sản xuất vừa tích cực chủ động phòng, chống giặc Covid-19. Mỗi đơn vị, phân xưởng phải luôn đề cao mục tiêu “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn đối với dịch bệnh”; bảo vệ sức khỏe cho người lao động, thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch cả nơi ở và nơi làm việc; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, gắn với trách nhiệm người đứng đầu từng đơn vị, từng phân xưởng theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, chủ động, tích cực từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Đơn vị cũng cần có quy trình kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh tại đơn vị, góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị nói riêng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản nói chung; tiếp tục đóng góp, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
“Ngành Than là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; cán bộ, công nhân, người lao động ngành Than là máu thịt của tỉnh Quảng Ninh. Trong chiến tranh những người thợ mỏ là những chiến sỹ sản xuất than phục vụ cho công cuộc tái thiết miền Bắc XHCN, trong thời kỳ đổi mới ngành Than là ngành kinh tế chủ lực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 suốt 2 năm qua, người thợ mỏ - người chiến sỹ là lực lượng tuyến đầu vừa chống dịch vừa sản xuất góp phần quan trọng giữ đà tăng trưởng ổn định của tỉnh Quảng Ninh, giữ ổn định đời sống xã hội trên địa bàn.
Cùng với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, cán bộ, công nhân ngành Than tiếp tục kề vai, sát cánh phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” - sức mạnh nội sinh của miền Mỏ bất khuất, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, ngành Than là ngành kinh tế “gương mẫu” như lời Bác Hồ căn dặn; góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh điển hình về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn để mọi người dân, công nhân lao động được thụ hưởng thành quả của sự phát triển” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Ý kiến ()