Trung thu cho trẻ em nghèo
Trong những ngày qua, các hoạt động, việc làm, chuyến đi mang tình cảm, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa nhân dịp Tết Trung thu diễn ra sôi động, hào hứng. Có lẽ với những trẻ em sống trong các gia đình có điều kiện kinh tế, trẻ ở các đô thị, vùng miền có mức sống cao thì việc được đón Tết Trung thu với mâm cỗ đầy, có nhiều đồ chơi, được tung tăng rước đèn… đã trở nên quá đỗi bình thường. Thế nhưng với những trẻ em nghèo, khuyết tật, trẻ em sống ở vùng khó khăn được phá cỗ, ngắm trăng, rước đèn lại là một niềm vui, mong ước lớn và có ý nghĩa sâu sắc đối với những năm tháng tuổi thơ của các em…
Bởi vậy, hiện nay dù cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn, thiếu thốn nhưng các cấp, các ngành, địa phương và nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân vẫn tích cực triển khai, thực hiện trách nhiệm, tình cảm của mình đối với trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ ở vùng khó khăn trong các dịp ngày lễ, Tết. Tết Trung thu năm nay, ngay từ sớm các đội, nhóm tình nguyện đã góp tiền, góp sức, tổ chức đi vận động để có những món quà có ý nghĩa đưa đi trao tận tay cho trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em đang điều trị trong các bệnh viện, trẻ em khuyết tật. Điển hình trong các hoạt động này, là từ ngày 12-8 dương lịch, Tỉnh Đoàn đã tổ chức vận động 5.000 suất quà để tặng cho trẻ em nghèo nhân dịp Trung thu. Mỗi suất quà trị giá từ 100.000 đồng trở lên, được trao cho hơn 1.500 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang được các cơ sở Đoàn nhận đỡ đầu thường xuyên, hơn 3.400 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Cũng trong dịp này, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đã mang tình cảm đến sẻ chia với trẻ em vùng khó khăn, trong đó có Báo Quảng Ninh đã tặng hơn 120 suất quà, trị giá 150.000 đồng/suất cho trẻ em, học sinh nghèo ở huyện Ba Chẽ…
Chúng ta đều biết, hiện nay khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền trong tỉnh còn khá cao. Trẻ em trong các gia đình khá giả, trẻ ở vùng thành thị, các vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi dường như khá đủ đầy, không thiếu thứ gì. Nhưng trẻ em ở các vùng khó khăn, vùng cao, biên giới, hải đảo thì còn nhiều thiếu thốn. Các em không chỉ thiếu những thức ăn, đồ chơi trong ngày Trung thu, mà ngay cả trong những ngày thường cũng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, từ bộ quần áo lành lặn, ấm áp, giầy dép, sách bút để đến trường, đến những mong ước bữa cơm ăn hằng ngày có thêm miếng thịt, miếng cá… Nói như vậy để thấy rằng, trẻ em trong các gia đình nghèo, trẻ ở những vùng khó khăn còn nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa ở những vùng thuận lợi…
Bởi vậy, trách nhiệm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, tăng cường chăm lo cho người dân vùng khó khăn, trong đó có đối tượng trẻ em đang được các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương nỗ lực thực hiện. Và những việc làm, hoạt động đi thăm, tặng quà, tổ chức vui Tết Trung thu cho trẻ em nghèo trong dịp này của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân là những minh chứng cụ thể nói lên điều đó…
Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, đó là sự chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ trẻ em nghèo không phải chỉ được tập trung quan tâm vào một vài dịp, vài đợt trong năm, mà nó phải trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành, đơn vị, tổ chức và toàn xã hội. Có như vậy, trẻ em nghèo mới được chăm sóc đủ đầy hơn, đỡ đi những thiệt thòi và được phát triển toàn diện hơn…
Thanh Tùng
Ý kiến ()