Trung tâm logistics
Được ví như một Việt Nam thu nhỏ với nhiều tiềm năng, lợi thế, Quảng Ninh sở hữu chiều dài đường biển lên đến 250km cùng luồng đường thủy nội địa gần 800km. Những năm qua, hạ tầng cảng biển, giao thông, dịch vụ sau cảng đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương hội tụ đủ yếu tố để trở thành một trong những trung tâm logistics trọng điểm, là nơi phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Hiện Quảng Ninh có 6 cụm cảng biển, trong đó có 3 khu vực chính gồm: Cẩm Phả (TP Cẩm Phả), Hòn Gai (TP Hạ Long), Vạn Gia (TP Móng Cái), được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại thuộc nhóm I - là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng, là cảng trung chuyển quốc tế. Với lợi thế này, các cảng biển của Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa và hành khách khu vực phía Bắc... Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, lượng hàng hoá thông qua dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh những năm qua chưa xứng với tiềm năng, lợi thế và hạ tầng cảng biển trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy mạnh mẽ lợi thế cảng biển, dịch vụ sau cảng trong thời gian tới, tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh xác định xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước. Một trong những nội dung quan trọng là tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, phát triển kinh tế biển, kinh tế ven biển, phấn đấu là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.
Để hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm logistics, Quảng Ninh đã và đang ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm phát huy lợi ích kép trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế cảng biển. Trên cơ sở nhận diện rõ những điểm nghẽn, xác định mục tiêu, định hướng phát triển, Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2035, tầm nhìn 2045. Trong đó có những nhóm giải pháp như xây dựng cơ chế, chính sách với tư duy mở, cơ chế vượt trội, có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển dịch vụ tổng hợp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành hạ tầng giao thông liên kết; chủ động bổ sung, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có dịch vụ logistics…
Ngoài chú trọng đầu tư hạ tầng cảng biển, dịch vụ sau cảng biển, logistics, Quảng Ninh cũng ban hành chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có ngành nghề liên quan đến lĩnh vực dịch vụ logistics. Đến nay, 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực logistics nói riêng, bước đầu đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp logistics. Đơn cử như giai đoạn 2017-2021, số học sinh, sinh viên được tuyển sinh đào tạo bình quân hằng năm trên 36.000 người cho trên 100 nghề, trong đó đào tạo những ngành nghề liên quan đến dịch vụ logistics chiếm trên 74% tổng số tuyển sinh.
Với lợi thế, thuận lợi riêng có về kinh tế cảng biển, tỉnh đang có những hoạch định rõ ràng, chiến lược đột phá, lâu dài, quyết tâm đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Từ kinh nghiệm đúc kết trong những năm qua, cùng tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong, đi đầu, tạo đột phá, Quảng Ninh sẽ sớm hiện thực hoá mục tiêu đã đề ra, phát huy mạnh mẽ kinh tế biển, kinh tế cảng biển và những dịch vụ sau cảng, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ý kiến ()