Trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi
Theo số liệu từ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, hiện trên địa bàn Quảng Ninh còn 18.970 người khuyết tật, trong đó 39% chưa đi học và chưa biết chữ, 79% số người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm và chưa có việc làm ổn định. Còn không ít người khuyết tật thiếu nhà ở và gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 3.588 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trong đó, có 63% là trẻ em khuyết tật, 26% không nơi nương tựa. Con số này chưa tính đến 16.299 trẻ em bị tổn thương có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 75% thuộc hộ nghèo và cận nghèo; 18,4% sống trong gia đình cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, có người mắc tệ nạn xã hội. Nhiều học sinh khuyết tật và mồ côi thiếu điều kiện học tập, thiếu nguồn nuôi dưỡng.
Vừa qua, tại Đại hội lần thứ IV, bên cạnh những kết quả lớn đạt được trong nhiệm kỳ 2008-2013, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu huy động nguồn lực giai đoạn 2013-2018 ở 2 cấp như sau: Cấp huyện bình quân mỗi năm từ 100 đến 200 triệu đồng; cấp tỉnh bình quân mỗi năm từ 1,4 đến 1,6 tỷ đồng… Và những con số này không chỉ đơn thuần phản ánh việc hoàn thành nhiệm vụ của một tổ chức mà điều có ý nghĩa hơn cả ở đây chính là việc mang đến niềm vui cho hàng nghìn người khuyết tật và trẻ mồ côi.
Từ sự trợ giúp của toàn xã hội, của cộng đồng, 2 nhóm đối tượng được xác định là yếu thế nhất có cơ hội, có điểm tựa để vươn lên. Gần đây nhất, ngày 19-4, thông qua chương trình “Nối vòng tay nhân ái” vì người khuyết tật và trẻ mồ côi do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với một số đơn vị tổ chức đã thu được kết quả trên cả mong đợi. Cùng với tổng số tiền các tập thể, cá nhân ủng hộ lên tới trên 1,3 tỷ đồng thì còn có những việc làm nhân văn, ý nghĩa. Đó là toàn bộ số tranh do người khuyết tật sản xuất ở cơ sở Mai Hoàng đã được mua hết và các sản phẩm thêu, móc cũng người khuyết tật ở cơ sở này lần đầu được giới thiệu rộng rãi đến mọi người. Đây vừa là cách để trợ giúp họ một cách thiết thực nhất, đồng thời cũng là sự khẳng định tinh thần vươn lên trong cuộc sống của người khuyết tật.
Hiện nay, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đang duy trì rất nhiều chương trình trợ giúp để các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm lựa chọn. Đó là phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng (7 triệu đồng/ca), chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình (2,5 triệu đồng/đơn vị); cấp tặng xe lăn (1,5 triệu đồng/xe); hỗ trợ nhà tình thương (40 triệu đồng/nhà); trợ cấp khó khăn (300.000 đồng/ hộ/lần); tặng xe đạp (1,5 triệu đồng/xe); góc học tập (1,2 triệu đồng/góc); học bổng (1 triệu đồng/suất); thưởng học sinh giỏi (500.00 đồng/học sinh); nuôi sinh viên (từ 1-2 triệu đồng/sinh viên/tháng; hỗ trợ sinh kế 70-100 triệu đồng/xã; văn hoá thể thao (300.000 đồng/người).
Mong rằng, cùng với sự quan tâm, chăm sóc của các cấp chính quyền thì người khuyết tật và trẻ mồ côi tiếp tục được đón nhận nhiều hơn nữa những tấm lòng vàng của các tập thể, cá nhân.
Ngọc Lê
Ý kiến ()