Triều cường gây ngập lụt ở Hạ Long
Suốt nhiều năm qua, người dân TP Hồ Chí Minh luôn phải sống trong cảnh thường xuyên ứng phó với ngập lụt do triều cường, nước biển dâng. Mỗi năm người dân nơi đây phải gánh chịu hàng chục đợt triều cường, gây ngập nhiều tuyến phố từ vài chục cm đến hơn một mét. Ngập lụt đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, đi lại của người dân.
Nước từ sông, các cống ngầm đùn lên, tràn vào gây ngập nhiều tuyến đường, khu dân cư, khiến hàng ngàn hộ dân phải tìm cách chống chọi bằng việc đưa đồ đạc vật dụng lên cao và dùng bao cát chắn nước chảy vào nhà, nhưng bất thành. Ngập lụt không chỉ gây hỏng đồ đạc trong nhà, mà còn hư hỏng nhiều phương tiện ô tô, xe máy…, đồng thời làm mất an toàn giao thông, an toàn về điện, khiến đời sống người dân bị đảo lộn.
Những tưởng câu chuyện người dân gặp muôn vàn khó khăn do triều cường chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thì nay câu chuyện ngập lụt này đã hiện hữu ở thành phố du lịch Hạ Long.
Mới đây, vào sáng 8/12, nước biển dâng cao đã gây ngập lụt một số tuyến đường các khu dân cư thuộc tổ 6A, 6B, 6C, khu 6; tổ 9, 10, khu 5, phường Yết Kiêu và tổ 18, khu 7, phường Cao Xanh, TP Hạ Long. Do nước dâng gây ngập lụt là nước biển, có nơi dâng cao so với mặt đường 60-70cm nên đã gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng nhiều đồ đạc. Đặc biệt do là nước mặn nên đã ảnh hưởng rất nhiều cho các phương tiện ô tô, xe máy khi không biết đã vô tình đi qua khu ngập lụt.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng triều cường nước biển dâng gây ngâp lụt ảnh hưởng đến khu dân cư đã diễn ra hàng chục lần ở những khu vực trên. Chỉ riêng trong tháng 12 này, nước biển dâng đã diễn ra vào các ngày 6,7,8. Theo người dân nơi đây, tình trạng ngập lụt gây ảnh hưởng đến đời sống, tài sản của người dân, nhất là ảnh hưởng đến việc đi lại, học hành của học sinh. Nhiều lần do ngập lụt học sinh đã phải nghỉ học, hoặc đi học muộn do nước biển dâng không thể ra ngoài. Người dân cũng đã đề nghị đến các ngành, địa phương liên quan, đặc biệt Công ty CP Xây dựng công trình 507 (Cienco 5) – đơn vị quản lý khu đô thị Vựng Đâng, đã hứa đến quý IV/2021 tiến hành nâng cốt nền đường, thế nhưng đến thời điểm này đã hết năm 2021, thế nhưng việc xử lý khu vực trũng thấp vẫn chưa được tiến hành.
Ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung, nhiệt độ trái đất nóng lên dẫn đến nước biển có chiều hướng dâng cao là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của thế giới và Việt Nam. Theo đánh giá, nước ta là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng như lũ lụt, sạt lở đất, gió bão, nước biển dâng, xâm nhập mặn... với tần suất ngày càng cao, mức độ tàn phá ngày càng nặng nề hơn đối với môi trường, đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trong vòng 50 năm qua, khí hậu Việt Nam có những biến đổi rõ rệt, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam đã tăng thêm 0,70C, mực nước biển dâng tăng thêm 20cm, thiên tai đặc biệt là lũ lụt, hạn hán xảy ra ngày càng nhiều. Trong vòng 100 năm mực nước biển Việt Nam có thể dâng từ 27cm đến 102cm. Như vậy sẽ có khoảng 45% diện tích khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngập dưới mực nước biển. Ngoài nguy cơ suy giảm quỹ đất, các đô thị ven biển Việt Nam còn đối diện với các vấn đề khác như khả năng bị phá hủy hệ thống hạ tầng kỹ thuật; suy giảm nguồn nước sinh hoạt; suy giảm sinh kế, việc làm; xáo trộn đời sống sinh hoạt do lũ lụt, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.
Với bờ biển dài 250km, có nhiều địa phương tiếp giáp với biển, Quảng Ninh là một trong những địa phương được đánh giá chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng. Thực tế những năm qua, đã có một số địa phương ven biển trong tỉnh chịu tác động từ biển gây sạt lở bờ biển, ngập lụt khu dân cư.
Dự báo, trong thời gian tới, các đô thị ven biển Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng, phải đối diện với những thách thức to lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt hiện tượng gia tăng nhiệt độ, nước biển dâng. Vì vậy, quy hoạch đô thị cần có những thay đổi về phương pháp nguyên lý quy hoạch, tính đến tác động của biến đổi khí hậu đến quỹ đất, không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng đô thị. Quy hoạch đô thị ven biển cần tính đến việc chống chọi với hiện tượng khí hậu cực đoan, thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng…, hướng đến xây dựng hệ thống đô thị ven biển bền vững. Có như vậy mới hạn chế được những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến đời sống người dân như ở một số khu dân cư của TP Hạ Long trong thời gian qua.
Ý kiến ()