Triển khai dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả
Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chỉ rõ những kết quả đạt được trong tháo gỡ "điểm nghẽn" Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Trong đó khẳng định, triển khai dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Đến nay đã tái cấu trúc quy trình đối với hầu hết các dịch vụ công thiết yếu; đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu số hóa giúp tiết giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp.
Cụ thể là đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đồng thời công bố, cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó điều chỉnh, tái cấu trúc lại quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện thống nhất trên toàn quốc, đã cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có 62/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết về miễn giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm, đã chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu phát huy hiệu quả (với nhu cầu 2,6 triệu phiếu lý lịch tư pháp trên toàn quốc hằng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng mỗi năm).
Đóng góp vào thành công chung của cả nước, Quảng Ninh đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh gồm 1.278 dịch vụ công. Trong đó, 756 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 522 dịch vụ công trực tuyến một phần. Cụ thể, tổng dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh là 1.000 dịch vụ công (trong đó, 628 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 372 dịch vụ công trực tuyến một phần); tổng dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện là 200 dịch vụ công (trong đó, 97 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 103 dịch vụ công trực tuyến một phần); tổng dịch vụ công trực tuyển thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã là 78 dịch vụ công (trong đó: 31 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 47 dịch vụ công trực tuyến một phần). Các dịch vụ công này cũng được kết nối, tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia.
Thực tế cho thấy, dịch vụ công trực tuyến đã góp phần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, Quảng Ninh đã tích cực nghiên cứu, triển khai, vận dụng linh hoạt phù hợp, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ý kiến ()