Trách nhiệm của người thầy
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh những thầy cô giáo tận tình, chu đáo hết lòng vì học sinh thân yêu. Họ thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức, tâm hồn, kho tri thức để học sinh ngưỡng mộ, noi theo. Những nhà giáo khả kính đó có thể thu nhập còn ít ỏi, đời sống vật chất của bản thân và gia đình còn khó khăn nhưng dưới con mắt của xã hội họ luôn luôn được kính trọng, nể phục.
Cuộc sống vận động đi lên, đất nước chuyển mình theo cơ chế thị trường. Trong cơn lốc Tiền-Hàng đó môi trường giáo dục đã bị tác động, không ít hoạt động trong trường học bị thương mại hoá, một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo không còn giữ được cốt cách, phẩm chất của nghề, biến học sinh thành đối tượng để kinh doanh, làm giàu. Thật đáng buồn khi hiện nay chúng ta ít còn được thấy hình ảnh các thầy cô giáo đến thăm nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh của từng em như trước đây (có người nói bây giờ phải ngược lại), không nhiều những việc làm uốn nắn từng nét chữ, sửa từng cách phát âm cho học sinh trên lớp... Rồi không ít trường hợp thầy cô giáo vi phạm đạo đức nhà giáo, đánh đập, xâm hại, mắng nhiếc học sinh... khiến cho xã hội lo lắng, các bậc phụ huynh không yên tâm. Các thầy cô giáo thời nay được đào tạo bài bản hơn, bằng cấp cao hơn, cuộc sống bớt khó khăn hơn không lẽ trách nhiệm lại rơi vãi nhiều vậy so với thế hệ trước.
Chính những bức xúc này đã làm “nóng” ở nhiều diễn đàn Quốc hội. Tại kỳ họp thứ hai (Quốc hội khoá XII) đang họp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã phải trả lời chất vấn về nhiều vấn đề bức xúc trong ngành Giáo dục, trong đó có nội dung về đạo đức, trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục. Ông nói rằng: Thầy cô nào thấy rằng không giữ được phẩm chất đạo đức thì nên xin ra khỏi ngành, đừng ở lại mà làm xấu hổ cho cả ngành. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một gợi ý; lời khuyên, còn thực hiện được hay không phải có biện pháp, chế tài cụ thể.
Hiện nay toàn ngành Giáo dục đang thực hiện cuộc vận động “hai không” với bốn nội dung. Tất cả những nội dung của cuộc vận động đều nhằm mục đích làm cho môi trường giáo dục lành mạnh, chất lượng đào tạo được nâng cao, tăng cường trách nhiệm của người thầy. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, hy vọng rằng từ những nội dung đặt ra trong cuộc vận động “Hai không” và những định hướng, giải pháp của mình ngành Giáo dục sẽ tạo ra một cuộc “cách mạng” thực sự củng cố niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Ý kiến ()