“Tôi là tôi”
Mới đây, tôi biết một sinh viên vừa mới ra trường là cháu một cán bộ UBND tỉnh, tự mình gõ cửa các cơ quan có công bố tuyển lao động để nộp hồ sơ. Sinh viên đó nói với tôi: Cháu là cháu, cháu học thế này, các cơ quan yêu cầu thế này, cháu thấy đủ điều kiện thì nộp hồ sơ dự tuyển. Sinh viên đó còn nói: Cháu hiểu Nhà nước tinh giản biên chế, cũng có nghĩa cần tuyển dụng lao động có trình độ để đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó đặc biệt là đẩy nhanh cải cách nền hành chính.
Thế đấy, cùng là sinh viên mới ra trường, cùng đi tìm việc làm, nhưng trước đây phải đề cao “tôi có bác là...”, nhưng bây giờ giới trẻ tự tin “tôi là tôi”. Nếu trước đây, tốt nghiệp đại học và là “cháu bác B”. thì xin đâu chả được việc, còn bây giờ đã khác. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tìm người đáp ứng đúng được vị trí công việc. Anh cần tôi, tôi cần anh và chúng ta thoả thuận lao động trên cơ sở của pháp luật. Đó là cách của hôm nay.
Trước đây, khi thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ, đã có không ít cán bộ, công chức “hợp lý hoá” văn bằng, chứng chỉ bằng mọi cách, cốt để “giữ ghế”. Đổi mới công tác cán bộ cùng với việc cải cách giáo dục hiện nay, nhất là việc thi cử,cũng nhằm xoá bỏ kẽ hở này.
Được biết ngày 8-8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế (TGBC). Theo đó, việc TGBC phải thực hiện công khai, dân chủ, không làm ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.
TGBC có nghĩa là tìm và bố trí một người giỏi, có năng lực để làm được nhiều việc, thay thế nhiều người làm một việc nhưng không hiệu quả. Đây là cơ hội cho những sinh viên giỏi, có năng lực và tự tin “tôi là tôi” tìm việc làm.
Ý kiến ()