Tọa đàm phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng và an ninh
Chiều 29/3, tại TP Hạ Long, Học viện Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức tọa đàm phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng và an ninh. Thượng tướng Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì tọa đàm. Tham gia tọa đàm có đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Lớp trưởng và các học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh khóa 84, Học viện Quốc phòng - là cán bộ chủ chốt các địa phương, bộ, ngành.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn nỗ lực không ngừng xây dựng và phát triển tỉnh, đồng thời đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là trong một thập kỷ trở lại đây, Quảng Ninh đã tìm tòi những cách làm, giải pháp đột phá để Quảng Ninh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Tỉnh cũng ưu tiên, hỗ trợ nguồn lực dành cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được quy hoạch, thực hiện lộ trình đầu tư xây dựng đồng bộ, thống nhất.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Quảng Ninh chủ động, tập trung thực hiện các giải pháp và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tiếp cận từ quản trị an ninh phi truyền thống. Tỉnh nỗ lực, quyết liệt, kiên trì phòng, chống dịch Covid-19 với quan điểm, phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, cùng quyết sách chính xác, kịp thời dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn. Quảng Ninh là điểm sáng của cả nước trong chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thực hiện thành công “mục tiêu kép”; khẳng định và phát huy vai trò là cực tăng trưởng toàn diện của miền Bắc.
Quảng Ninh tiếp tục mở rộng và đưa quan hệ hợp tác đối ngoại với các địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân Trung Quốc ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu. Chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại và đón tiếp, làm việc với nhiều đoàn ngoại giao cấp cao, đóng góp tích cực vào các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước. An ninh, chính trị được giữ vững, an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo được tăng cường, bảo đảm.
Các ý kiến tại tọa đàm đều bày tỏ sự ấn tượng trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh của tỉnh Quảng Ninh. Từ thực tiễn tại Quảng Ninh, các đại biểu tập trung trao đổi một số nội dung trọng tâm như: Phương pháp của tỉnh trong việc tập trung nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển; phương pháp hình thành quỹ đất công để thu hút đầu tư, hình thành các dự án trọng điểm; việc tăng cường học ngoại ngữ cho người dân; chính sách cơ chế khuyến khích chuyển đổi số; công tác thu hút đầu tư nước ngoài; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Quảng Ninh là địa phương có vị trí chiến lược trong hướng phòng thủ từ phía biển vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Với vị trí quan trọng này, Quảng Ninh luôn xác định trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để chủ động xây dựng các phương án trọng tâm, trọng điểm chủ động phòng thủ không để bị động, đột xuất bất ngờ trong mọi tình huống.
Trên cơ sở này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh” và được Bộ Chính trị thông qua tại Thông báo số 108-TB/TW ngày 1/10/2012 của Bộ Chính trị. Trong đó, xác định mục tiêu “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh, phòng tuyến hợp tác cạnh tranh về kinh tế quốc tế”. Từ mục tiêu này, bằng tinh thần tự lực, tự cường, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển nguồn nhân lực) để tạo động lực phát triển.
Làm rõ những ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm về nội dung nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, trên quan điểm, mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Đây cũng là yếu tố then chốt để giữ vững an ninh từ cơ sở, xây dựng thế trận lòng dân, tạo ra bức tường thành kiên cố, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển.
Về việc phát triển các ngành kinh tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, đồng chí nhấn mạnh: Quảng Ninh xác định du lịch, dịch vụ tiếp tục mang yếu tố chủ đạo; tập trung tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ lệ công nghiệp chế biến chế tạo; phát triển ngành công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững và phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông dân văn minh, nông thôn hiện đại và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đối với công tác thu hút đầu tư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Quảng Ninh luôn xác định an ninh chính trị là vấn đề cốt lõi, an ninh kinh tế phải đảm bảo. Qua đó, Quảng Ninh luôn chủ động, linh hoạt trong nhận diện đối tác chiến lược, bám sát quy hoạch và rà soát để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Thượng tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, khẳng định vai trò là cực tăng trưởng toàn diện phía Bắc. Tin tưởng với sự phát triển đột phá như hiện nay, tỉnh Quảng Ninh, mảnh đất phên giậu nơi địa đầu của Tổ quốc sẽ ngày càng có những bước phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới. Tọa đàm là dịp để các học viên của Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh khóa 84 có thêm nhiều thông tin, bài học kinh nghiệm quý để làm cơ sở nghiên cứu trong quá trình học tập và áp dụng vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi học viên tại các địa phương, bộ, ngành.
Ý kiến ()