Tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên
Thời gian qua, Quảng Ninh liên tục đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước để giảm tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí.
Tại các cuộc họp thường kỳ hàng tháng, UBND tỉnh đều nghe báo cáo về nội dung tình hình thực hiện dự toán thu - chi ngân sách, phương hướng nhiệm vụ tháng tới, trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý điều hành chi thường xuyên. Mặt khác, UBND tỉnh đã chủ trì tổ chức cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách hằng quý, để đánh giá tình hình thu - chi ngân sách, xác định rõ những tồn tại, hạn chế, để kịp thời có giải pháp chỉ đạo một cách tích cực, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng công tác đánh giá, dự báo tình hình thu, chi ngân sách, kiểm soát tiến độ thu, chi ngân sách, tập trung khắc phục các tồn tại đã chỉ ra trong công tác quản lý điều hành ngân sách những năm trước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Chỉ riêng trong năm 2022, dự toán chi thường xuyên sau điều chỉnh là: 12.198 tỷ đồng, giải ngân đạt: 11.462 tỷ đồng, bằng 94% dự toán, bằng 100% cùng kỳ.
Trong quá trình điều hành ngân sách, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát tiết kiệm kinh phí thường xuyên, bổ sung chi đầu tư phát triển, số kinh phí tiết kiệm 971,3 tỷ đồng chi thường xuyên để bổ sung chi đầu tư cho các dự án. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm 425 tỷ đồng các khoản kinh phí đã hết nhiệm vụ chi hoặc không giải ngân được, để bổ sung cho các nhiệm vụ phát sinh, có nhu cầu vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Đặc biệt, thực hiện chính sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quảng Ninh đã kiên quyết cắt giảm nhiều khoản chi ngân sách nhà nước không cần thiết như chi cho hội họp, tiếp khách... Do đó, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2022, trong quá trình thực hiện dự toán, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tiết kiệm chi quản lý hành chính 63 tỷ đồng (năm 2021 tiết kiệm 70 tỷ đồng). Trong đó, tiết kiệm văn phòng phẩm: 9,5 tỷ đồng; tiết kiệm cước phí thông tin liên lạc: 2,1 tỷ đồng; tiết kiệm sử dụng điện: 4,6 tỷ đồng; tiết kiệm xăng, dầu: 6,4 tỷ đồng; tiết kiệm nước sạch: 1,7 tỷ đồng; tiết kiệm công tác phí: 8,5 tỷ đồng; tiết kiệm tổ chức hội thảo, hội nghị: 3 tỷ đồng; tiết kiệm chi tiếp khách, khánh tiết...:16,3 tỷ đồng; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện thông tin, liên lạc: 10,9 tỷ đồng. Kinh phí tiết kiệm của các cơ quan, đơn vị được sử dụng để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Để tiếp tục thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, Quảng Ninh đang tiếp tục tập trung chống lãng phí trong đầu tư công, mua sắm công, quản lý sử dụng tài chính công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, thuế; đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng chi ngân sách nhà nước bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí. Thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác; đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đúng tiến độ yêu cầu; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án không đảm bảo tiến độ. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí mua sắm đúng định mức và chế độ theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch; triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua mạng đấu thầu quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác lập, thẩm định giá trong mua sắm tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước; quản lý chặt chẽ việc hình thành tài sản công sau đầu tư.
Ý kiến ()