20
18
/
852366
Tiếp xúc thực chất, giám sát đến cùng
longform
Tiếp xúc thực chất, giám sát đến cùng

 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát tập trung vào những vấn đề được cử tri, dư luận quan tâm, bảo đảm toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, phát huy hiệu quả việc huy động, sử dụng các nguồn lực, góp phần phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương.

 

 

Thông qua hoạt động giám sát, khảo sát là cơ sở quan trọng để nắm bắt kịp thời về tình hình chấp hành chính sách pháp luật, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực, những vấn đề chưa được hoặc chậm được các cơ quan chức năng tích cực triển khai, giải quyết; giúp cho đại biểu HĐND tỉnh có thêm thông tin để thực hiện quyền chất vấn tại các kỳ họp thường lệ với nội dung trọng tâm, trọng điểm, sát thực.

Theo đó, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã lựa chọn các vấn đề gây bức xúc và liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của nhân dân để tiến hành giám sát. Điều quan trọng trong quá trình thực hiện là phải cụ thể, sâu sát, kịp thời, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình và giám sát “đến cùng”. Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện giám sát trọng tâm, trọng điểm, rõ mục tiêu, đối tượng; chuẩn bị kỹ, triển khai bài bản; thông báo kết luận cụ thể; chú trọng hậu giám sát… Đặc biệt, chương trình công tác của HĐND tỉnh được xây dựng ngay từ đầu năm theo từng danh mục cụ thể. Trong đó, phân công các cơ quan chủ trì, phối hợp, tham mưu và ‘‘rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả’’, theo đúng tiến độ, bảo đảm không bị trùng lặp, chồng chéo; không ảnh hưởng đến hoạt động của chủ thể chịu sự giám sát.

Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát đổi mới theo hướng linh hoạt, phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch, có sự tham gia ý kiến của nhân dân, sự phối hợp giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt là có sự phối hợp chia sẻ thông tin khách quan, kịp thời của các cơ quan thực thi kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh và các cơ quan dân cử, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra tỉnh, cùng các cơ quan thanh tra chuyên ngành trong cơ chế thống nhất lãnh đạo của Tỉnh ủy. Cơ chế giám sát được đổi mới theo hướng coi trọng làm việc trực tiếp với cơ sở, bởi cơ sở là nơi trực tiếp triển khai thực hiện các chính sách pháp luật, liên quan đến hoạt động thường ngày, đến sinh hoạt của người dân. Từ đó, thấy rõ hơn hiệu quả và những bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh chủ động tìm hiểu trước về tình hình triển khai chính sách, pháp luật ở đơn vị chịu giám sát, để chọn ra nhiều địa điểm khảo sát thực địa. Các đợt giám sát không dàn trải, mà tập trung tới những nơi đang có vấn đề cần xem xét hoặc nơi tiêu biểu. Đặc biệt, HĐND tỉnh sẽ thực hiện đối chứng với các kiến nghị của cử tri để đánh giá một cách khách quan trong thực thi chính sách, pháp luật nhằm tìm ra những kiến nghị xác đáng, kịp thời.

Đồng chí Lê Hữu Phúc, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, cho biết: Để thực hiện giám sát hiệu quả, các thành viên của Ban Kinh tế-Ngân sách cũng như các Ban HĐND tỉnh đều chủ động nghiên cứu tài liệu, khảo sát trước để làm cơ sở xây dựng đề cương giám sát và chọn mẫu giám sát phù hợp, có điển hình và trọng điểm. Trước khi giám sát thực địa nghiên cứu đầy đủ báo cáo các đơn vị liên quan, mời các cán bộ chuyên môn sâu cùng tham gia giám sát, đi tận cùng vấn đề lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, đơn vị liên quan, khi phát hiện vấn đề thì có các đề xuất kiến nghị ngay với các đơn vị, cơ quan chủ quản để kịp thời khắc phục các bất cập ... Trong quá trình giám sát sẽ tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau để thu thập thông tin minh chứng, nhận diện, phân tích rõ cái được, cái chưa được, đúng - sai. 

Cùng với việc tổ chức các cuộc giám sát thường xuyên, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành và phân công, điều hòa các ban HĐND tỉnh tổ chức 15 cuộc giám sát chuyên đề và 55 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, không báo trước (tăng 2 cuộc giám sát chuyên đề và 20 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên so với cùng kỳ của nhiệm kỳ 2011 - 2016). Trong đó, có nhiều nội dung trọng tâm, trọng điểm, lần đầu tiên được thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo chung của tỉnh...  Điển hình phải kể đến cuộc giám sát chuyên đề về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2018 được tiến hành trong tháng 8 vừa qua. Đoàn công tác HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát trực tiếp tại 10 địa phương cấp huyện, 40 xã, phường, thị trấn và một số đơn vị có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát đã phát hiện nhiều hạn chế, tồn tại, như: Công tác công khai, tuyên truyền về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nơi còn hình thức; việc chấp hành các quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, triển khai chậm; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đôi lúc chưa bám sát nội dung được duyệt; việc đo đạc bản đồ địa chính và chỉnh lý biến động đất đai chưa kịp thời... Qua giám sát đã phát hiện kịp thời nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước kiến nghị các giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giám sát, khảo sát thường xuyên, đột xuất việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND trong nhiệm kỳ đã được ban hành, giám sát việc thực hiện giải quyết ý kiến của cử tri và nhân dân…

Theo đồng chí Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cuộc giám sát, một trong những giải pháp được HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm trong hoạt động giám sát chính là việc tăng cường tái giám sát, theo đến cùng việc thực hiện kết luận sau giám sát. Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai một số giải pháp giám sát sau việc thực hiện trả lời chất vấn đó. Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo đăng tải toàn bộ nội dung trả lời chất vấn trên các trang thông tin điện tử, báo chí của tỉnh để cử tri, nhân dân giám sát. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện các chương trình, phóng sự, bài viết về việc thực hiện từng nội dung cam kết, đây là hình thức giám sát hiệu quả đối với các cơ quan, đơn vị trả lời chất vấn trước cử tri.

Bên cạnh đó, phân công các ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết chất vấn của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp tiếp theo; yêu cầu người được chất vấn gửi báo cáo về kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chất vấn để làm cơ sở giám sát và thông tin đến đại biểu HĐND tỉnh cũng như cử tri. Song song với đó, thực hiện khảo sát, giám sát làm rõ nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đối với những nội dung chậm được giải quyết sau chất vấn. Thêm nữa, thực hiện "tái chất vấn" các nội dung chậm chuyển biến hoặc chưa được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện theo nghị quyết của HĐND tỉnh; khi cần thiết tiến hành phiên giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh để tiếp tục làm rõ trách nhiệm người được chất vấn trong việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp HĐND tỉnh…

Bài, ảnh: Trúc Linh - Nguyễn Dung

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu