Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC đảm bảo đúng quy định, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 320/KH-UBND ngày 29/12/2023 về tinh giản biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2026. Theo đó, đến năm 2026, dự kiến giảm 118 biên chế công chức, 327 cán bộ, công chức cấp xã, 1.929 người làm việc hưởng lương từ ngân sách trong đơn vị sự nghiệp công lập; dự kiến giảm 80 đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm 1 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và 1 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện. Cụ thể là giải thể Trung tâm Đối ngoại trực thuộc Sở Ngoại vụ; sáp nhập Trung tâm Phát triển quỹ đất vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hải Hà thuộc UBND huyện Hải Hà. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành 38 quyết định phê duyệt đề án tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh (bao gồm 15 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế; 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở GT-VT; 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VH-TT; 7 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TX Đông Triều; 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện Bình Liêu; 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện Ba Chẽ; 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc huyện Cô Tô; 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện Hải Hà) và giao quyền tự chủ về tài chính cho 37 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT.
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, giải quyết được mục tiêu giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, tăng tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong việc khai thác nguồn thu hợp pháp, giảm số tiền ngân sách cấp trực tiếp, chuyển sang cấp theo sản phẩm đầu ra dịch vụ bằng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ. Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh có tổng số đơn vị được giao tự chủ tài chính là 762 đơn vị (giảm 8 đơn vị so với kỳ trước), tổng số người hưởng lương từ ngân sách là 23.647 người (giảm 287 người), kinh phí ngân sách đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là 367 tỷ đồng (tăng 330 tỷ đồng).
Về biên chế, 6 tháng qua, toàn tỉnh đã giảm 7 chỉ tiêu biên chế công chức, giảm 978 người làm việc hưởng lương từ ngân sách. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ninh đã phê duyệt danh mục vị trí việc làm của 182 cơ quan, tổ chức hành chính, 759 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 100%); triển khai thực hiện Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/1/2024 của Chính phủ về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành.
Ước tính 6 tháng đầu năm, đã thực hiện giải quyết chế độ, chính sách đối với 31 trường hợp CBCCVC, trong đó 23 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, 8 trường hợp thôi việc theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định: số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018, số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 và số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023).
Triển khai thực hiện việc tuyển dụng công chức năm 2024, tỉnh Quảng Ninh cũng ưu tiên dành chỉ tiêu để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó yêu cầu đối với các sở, ban, ngành: 2/3 số chỉ tiêu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; đối với UBND thị xã, thành phố: 1/2 số chỉ tiêu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; đối với UBND các xã: 1/3 chỉ tiêu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút được 3 trường hợp thuộc đối tượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.
Tỉnh cũng tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết của Trung ương, các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác cán bộ và sắp xếp, bố trí CBCCVC phù hợp với sở trường, chuyên môn để phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn đầu mối để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và Nhà nước gắn với kiện toàn các chức danh chủ chốt để bảo đảm hoạt động. Rà soát, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính phù hợp ở địa phương, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Ý kiến ()