Thống nhất tên gọi "hòn Trống - Mái"
Cái để nhận diện dễ nhất, tạo ấn tượng tiêu biểu nhất cho du lịch của một địa phương hay một quốc gia chính là tiêu đề và biểu tượng về du lịch. Xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu du lịch thì không thể không có tiêu đề và biểu tượng. Thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch, ngày 26-9 vừa qua tỉnh Quảng Ninh đã phát động cuộc thi sáng tác tiêu đề và biểu tượng du lịch Quảng Ninh.
Cùng với phát động cuộc thi nói trên, mới đây Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị về việc thống nhất tên gọi “hòn Trống - Mái” thay cho “hòn Gà Chọi”. Văn bản cũng đã thống nhất cách viết “hòn Trống - Mái” (có gạch ngang giữa “Trống” và “Mái”).
Hòn Trống - Mái (trước đây còn gọi là hòn Gà Chọi) là điểm du lịch hấp dẫn, được coi là biểu tượng độc đáo của du lịch Quảng Ninh. Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sở dĩ có sự thống nhất tên gọi này là vì tên gọi hòn Gà Chọi dễ để du khách hiểu lầm, không tạo nên sự thiện cảm. “Đó là sự gây hấn, hiếu chiến, bầu không khí căng thẳng, không phù hợp với việc Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới, không phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay”. Còn hòn Trống - Mái thể hiện sự gắn kết tình yêu thương, tình tứ lãng mạn, sự che chở, đùm bọc, “dệt nên khúc ca giữa biển trời kỳ vĩ, bao la của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”.
Khi viết “hòn Trống - Mái” hướng tới nghĩa “đôi nam nữ” để khơi gợi nên khúc tình ca giữa biển trời kỳ vĩ. Khi các văn bản, tài liệu liên quan cũng như công tác thuyết minh, hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài cũng cần được dịch theo nghĩa này. Nếu căn cứ vào cách hiểu hiện taị trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng 1996) thì “trống mái” và “sống mái” thì đều cùng một nghĩa chỉ hành động “đấu tranh một mất, một còn”.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tài nguyên du lịch Quảng Ninh cần có sự định vị, đánh giá và tên gọi phù hợp để dẫn dụ, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, các điểm du lịch cần thiết phải có sự đồng nhất về tên gọi phù hợp với bối cảnh, điều kiện quốc tế hiện nay.
Không chỉ thống nhất tên gọi tài nguyên, biểu tượng, sản phẩm du lịch, tiêu đề du lịch, chúng ta cần chú trọng thống nhất khi dịch chúng ra tiếng nước ngoài để tạo hiệu quả cao nhất trong công tác xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch cũng như thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.
Nguyên Đan
Ý kiến ()