Thoát nghèo bền vững
Những năm vừa qua, tỉnh ta có chủ trương giao cho một số đơn vị, tổ chức có điều kiện giúp đỡ các xã nghèo trong tỉnh, đặc biệt là các xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Sau một thời gian triển khai đã cho những hiệu quả rõ nét, đặc biệt là trong đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi cho các xã khó khăn. Tuy nhiên, sự thụ hưởng trực tiếp của người dân thông qua chương trình chưa được nhiều, chưa cụ thể. Do vậy tỷ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo ở nhiều xã còn cao. Đời sống của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Với mục tiêu giảm mạnh số hộ nghèo (theo tiêu chí mới) trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về đời sống giữa các vùng, miền thì việc đổi mới cách hỗ trợ là việc làm hết sức cần thiết. Để đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể ở các xã với các đơn vị trực tiếp tham gia hỗ trợ. Trong đó điều đặc biệt quan trọng là các xã phải làm tốt công tác khảo sát, điều tra từng hộ nghèo để biết hoàn cảnh, điều kiện, nhu cầu của từng hộ, trên cơ sở đó giúp cho các đơn vị có giải pháp thích hợp, hiệu quả. Đối với các đơn vị trực tiếp trợ giúp ngoài việc hỗ trợ các nguồn lực về tài chính, sức lao động, kinh nghiệm sản xuất cần có kế hoạch, chương trình cụ thể, phân công tập thể, cá nhân theo dõi thường xuyên để kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý phát sinh từ thực tế. Tránh tình trạng triển khai một cách hình thức, làm cho xong chuyện...
Giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo là trách nhiệm của toàn xã hội. Với các đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp trách nhiệm càng nặng nề hơn. Nhưng đi kèm với đó là vinh dự, là tình cảm, sự sẻ chia của các đơn vị. Và cao hơn còn là niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đối với các đơn vị này.
Ý kiến ()