Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Theo Nghị quyết, Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc-xin, có thuốc điều trị đã giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ người mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.
Đối với Việt Nam, một số kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vắc-xin, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, ở các đô thị lớn tăng nhanh, giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch.
Từ thực tiễn tình hình, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Việc Chính phủ ban hành quy định tạm thời trong chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch bên cạnh mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, còn hướng tới thực hiện thành công mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021...
Để thực hiện thành công việc chuyển sang trạng thái bình thường mới, Chính phủ yêu cầu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, việc bảo đảm mục tiêu kép nhưng phải đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Đặc biệt, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc-xin, theo phương châm "cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc-xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết"...
Ngay sau khi Chính phủ ban hành quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngày 12/10/2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành Hướng dẫn tạm thời thực hiện một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh hướng dẫn tạm thời về việc đi lại, quét mã QR-code, khai báo y tế, theo dõi tại nhà và cách ly đối với người dân về Quảng Ninh kể từ 00h00 ngày 13/10/2021.
Cụ thể, tất cả người từ các địa phương khác vào Quảng Ninh hoặc người Quảng Ninh từ các địa phương khác trở về tỉnh, có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu; thực hiện khai báo y tế, quét mã QR-code, quét mã căn cước công dân hoặc mã thẻ định danh tại các chốt kiểm soát thông tin ra vào tỉnh. Các chốt kiểm soát thông tin ra vào tỉnh hướng dẫn cụ thể đối với người đến, về theo phân loại cấp độ dịch từng vùng.
Bên cạnh đó là những quy định về việc đón người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến Quảng Ninh; đối với người từ Quảng Ninh ra tỉnh ngoài; công nhân, người lao động trong tỉnh, ngoại tỉnh đi làm việc tại các KCN, CCN, cơ sở sản xuất kinh doanh; các trường hợp người thực hiện công vụ, đoàn ngoại giao, các nhà đầu tư; xe đến đón người hoàn thành cách ly và các trường hợp thực sự cần thiết khác; đối với người và phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa...
Tính đến nay, Quảng Ninh đã trải qua hơn 100 ngày không phát hiện ca bệnh nhiễm mới trong cộng đồng, là vùng xanh an toàn tiêu biểu trong cả nước, góp phần mang lại hạnh phúc cho nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Tuy vậy, điều này cũng tạo ra tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống Covid-19 ở một bộ phận người dân, nhất là sự chủ động, tích cực, thực chất trong thực hiện các quy định, khuyến cáo của ngành Y tế cũng còn những hạn chế.
Vì vậy, khi thực hiện chuyển sang trạng thái bình thường mới với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đòi hỏi các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và từng người dân phải nâng cao hơn nữa sự chủ động, tự giác trong chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh mở cửa, sống chung an toàn với dịch bệnh thì cần phải cảnh giác cao độ, ngăn chặn hiệu quả trước nguy cơ mầm bệnh có thể xâm nhập vào địa bàn bất cứ lúc nào, bất kỳ từ hướng nào. Có như vậy, Quảng Ninh mới bảo vệ, giữ vững được thành quả phòng, chống dịch đã dày công thực hiện trong thời gian qua, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Ý kiến ()