Thêm cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo... nhằm tạo điều kiện để phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung về điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất kinh doanh, tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tỉnh cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; ban hành kế hoạch phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nhờ đó, trong giai đoạn 2021-2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng bình quân đạt 10,2%/năm. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 14,5%/năm. Năm 2022 có thêm 2.220 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, đã có 1.360 đơn vị (857 doanh nghiệp, 503 đơn vị phụ thuộc) thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 12.556 tỷ đồng, tương đương so cùng kỳ. Có 23 HTX thành lập mới, đạt 76% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, do tác động của bối cảnh thế giới và hậu quả nặng nề của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai gây thiệt hại... hiện nay doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, thất nghiệp gia tăng. 6 tháng đầu năm 2023 có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, tăng 12% với cùng kỳ; 280 doanh nghiệp giải thể, tăng 6% so với cùng kỳ; có 569 doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ địa chỉ kinh doanh, số doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 88,4%). Doanh nghiệp khu vực tư nhân trên địa bàn tỉnh mặc dù chiếm số lượng lớn (gần 96%) nhưng đóng góp ngân sách nhà nước còn hạn chế.
Theo báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh qua kết quả khảo sát DDCI năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay đang gặp khó khăn và có nhu cầu được hỗ trợ. Cụ thể là cần hỗ trợ các nội dung: Tìm kiếm thông tin thị trường; tuyển dụng lao động phổ thông, tuyển dụng lao động trình độ cao; xây dựng và phát triển thương hiệu; đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu; tiếp cận vay vốn; quản lý chất lượng và cải thiện năng suất, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tìm kiếm đối tác kinh doanh và mở rộng thị trường.
Trước vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh nghiên cứu, rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết “Về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi số đến năm 2025”. Quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã căn cứ vào kết quả khảo sát PCI, DDCI năm 2022, tổ chức lấy ý kiến tham gia, góp ý của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp và đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Sau khi tổng hợp các ý kiến tham gia, đề xuất, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh dự thảo báo cáo UBND tỉnh. Dự thảo Nghị quyết đã được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua. Dự kiến tại kỳ họp thứ 15, diễn ra vào giữa tháng 7 này, HĐND tỉnh sẽ đưa nội dung này lên bàn nghị sự.
Nếu Nghị quyết được thông qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ có thêm sự hỗ trợ, thêm động lực để chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững và hoàn thành các chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV.
Ý kiến ()