
Tháo gỡ các điểm nghẽn, mở đường cho KHCN phát triển
Quảng Ninh quyết tâm “cởi trói”, tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến nguồn lực đầu tư, hạ tầng, nhân lực, đặc biệt là cơ chế, chính sách, nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Xác định KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; từ năm 2012 đến nay Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU (ngày 5/5/2012), Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 13/3/2017), Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 28/4/2023) về phát triển KHCN; BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND (ngày 2/6/2014) về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nhờ đó nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ngành, thành phần kinh tế, cộng đồng xã hội và nhân dân về vai trò, vị trí của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt. KHCN đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân… Đáng chú ý tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên mức 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2023 xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án KHCN (tỷ lệ gần 90%) được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực; khoảng 63% sản phẩm OCOP thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...

Dù đã có nhiều tác động tích cực, tuy nhiên KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện vẫn còn một số những hạn chế: Nguồn nhân lực KHCN của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của KHCN, đổi mới sáng tạo nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh nói chung; đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu và yếu; hạ tầng về KHCN của tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là các trung tâm dữ liệu lớn (Big data), AI đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành có thế mạnh của tỉnh; nguồn kinh phí chi cho KHCN chủ yếu dựa vào NSNN, đang thiếu so với nhu cầu, chưa có cơ chế đột phá trong việc khơi thông, huy động các nguồn lực khác đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo; chưa huy động được khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI đầu tư vào KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là trong chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Đặc biệt cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, thông thoáng để khuyến khích khả năng nghiên cứu, sáng tạo của cá nhân, doanh nghiệp.
Để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, thời gian tới tỉnh tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của trung ương, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về KHCN, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… Đồng thời cải tiến, đổi mới phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ KHCN phù hợp với từng loại hình nghiên cứu của tỉnh; tối giản hoá tối đa các TTHC của nhiệm vụ KHCN; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Khi có quy định của trung ương sẽ thí điểm chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; thành lập và sử dụng các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Cùng với đó tăng cường thu hút đa dạng các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; tối ưu hóa quy trình thủ tục, đặc biệt là liên quan đến chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN; đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động KHCN theo hướng thực chất, hiệu quả…
Ý kiến ()