
Thắng lợi của khát vọng thống nhất đất nước
Hàng năm, cứ đến ngày chiến thắng 30/4, lại là dịp chúng ta ôn lại những ký ức hào hùng của ngày đất nước thống nhất, cũng là dịp chúng ta bồi hồi nhớ lại những phút giây lịch sử, bồi hồi xúc động nhớ đến đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
45 năm sau ngày đất nước thống nhất, đã có rất nhiều cuộc hội thảo, đánh giá, nhìn nhận lại những kết quả, bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ sự kiện 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tựu chung, các ý kiến và thực tiễn cách mạng đã chỉ ra rằng, nguyên nhân thắng lợi của sự kiện 30/4/1975 chính là bởi khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam đã làm nên sức mạnh ấy.
![]() |
Phía trước dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) - nơi ngày 30/4/1975, các xe tăng của quân giải phóng đã húc đổ cổng dinh, tiến vào bắt sống nội các chính quyền Việt Nam Cộng hoà. |
Nhìn lại thế kỷ 20 – có lẽ là một trong những giai đoạn lịch sử đặc biệt nhất trên chặng đường phát triển của Việt Nam. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (thơ Tố Hữu) đã kết thúc xấp xỉ 100 năm người Pháp xâm chiếm Việt Nam. Chưa kịp vui mừng, đất nước đã phải chia cắt hai miền bằng Hiệp định Geneve và phải 20 năm sau mới thống nhất. Bởi vậy, khát vọng về một Việt Nam thống nhất, khát vọng về hoà bình, độc lập dân tộc đã được hun đúc nhiều thế hệ người Việt Nam.
Đảng ta và Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định: “Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được”, “Nam - Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được”, “Trung – Nam - Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”… Tinh thần ấy được thể hiện cụ thể trong chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và được thể hiện ngay sau khi nước Việt Nam tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945.
![]() |
Phòng làm việc của phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Cao Kỳ trong dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất). |
Theo cuốn Hồ Chí Minh Toàn tập (tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - 2000), trước khi sang Pháp, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ (tháng 6/1946), Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Mục đích chuyến đi của Người là “giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập, cùng Trung, Nam, Bắc thống nhất”. Ngày 12/7/1946, trong một cuộc họp báo, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên quốc tế: “Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào?”, Người nói: “Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Basques, người Breton không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?”.
![]() |
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức mít tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, tập III. |
Những tư liệu và thực tế lịch sử chỉ ra rằng ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chủ quan về một kẻ thù mới là đế quốc Mỹ, song, vẫn hy vọng đất nước sẽ được thống nhất sau 2 năm ký Hiệp định Geneve về Đông Dương. Bởi những điều khoản trong Hiệp định có khoản về đảm bảo chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vĩ tuyến 17 chỉ có ý nghĩa quân sự tạm thời và một cuộc tổng tuyển cử tự do năm 1956 sẽ được tổ chức trên toàn quốc để hoàn toàn thống nhất đất nước. Song điều dự báo và mong muốn đó đã không xảy ra. Nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với đánh đổi biết bao hy sinh xương máu của chiến sĩ, đồng bào, thiệt hại to lớn về kinh tế… để dành cho được thống nhất đất nước. Sự thống nhất đất nước ở đây không chỉ về cả mặt lãnh thổ và nhà nước, thống nhất không chỉ về chính trị và kinh tế mà còn là thống nhất về tư tưởng, văn hóa, xã hội.
45 năm sau sự kiện 30/4/1975, trải qua những năm tháng khó khăn vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh lại vừa phải bước vào các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, trong bối cảnh cấm vận của Mỹ, hệ quả của thời kỳ bao cấp… Việt Nam đã từng bước đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng và kiến thiết đất nước. Để có một Việt Nam phát triển như hôm nay, chúng ta càng hiểu hơn giá trị của sự đoàn kết dân tộc, giá trị của khát vọng thống nhất đất nước mà cha ông ta đã hy sinh để dành cho bằng được.
Đại Dương
Ý kiến ()