Than "vô chủ"
Thật khó tin một khối lượng lớn hàng trăm tấn than được khai thác, vận chuyển tập kết, vậy mà khi cơ quan chức năng phát hiện lại xác định là than “vô chủ”, không ai thừa nhận. Chúng ta chỉ cần tìm kiếm trên mạng bằng từ khoá “than vô chủ” sẽ rõ những vụ việc cụ thể ở Quảng Ninh.
6 tháng đầu năm 2014, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 69 vụ, 57 đối tượng vi phạm về vận chuyển, tàng trữ than trái phép, thu giữ 6.582 tấn than; phát hiện 213 lượt điểm lò trái phép, tháo dỡ 78 lán trại, xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng. Có lẽ một trong những lý do dù số vụ vi phạm được phát hiện lớn, nhưng số vụ đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự giảm nhiều so với năm 2013 là bởi có tình trạng than “vô chủ”?
Tỉnh Quảng Ninh liên tục có nhiều biện pháp trong giải quyết tình trạng khai thác than trái phép. Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-1-2014 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh”. Kết quả thực hiện Nghị quyết 12 trong 6 tháng qua đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép.
Tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc đánh giá vẫn còn tình trạng khai thác, chiếm đoạt than trái phép, với diễn biến phức tạp, liều lĩnh, lợi dụng đất quốc phòng, đất vườn, đất rừng đã được giao, khoán để khai thác hầm lò và khai thác lộ vỉa. Hoạt động trái phép này có tổ chức, bố trí người canh gác từ xa để báo khi có lực lượng chức năng kiểm tra; sử dụng những thiết bị hiện đại, có tính cơ động cao để đối phó. Trong khi đó việc triệt xoá của chính quyền và lực lượng chức năng không thực sự hiệu quả, nhiều điểm khai thác trái phép tái phạm nhiều lần. Có biểu hiện đe doạ lực lượng bảo vệ của ngành Than và người phát giác tố cáo, theo kiểu “xã hội đen”… Một số người dân còn bao che, tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia khai thác, vận chuyển và tiêu thụ than trái phép.
Tình trạng quản lý các dự án trên đất có than còn bất cập, khó kiểm soát. Hiện toàn tỉnh có 6 dự án trên đất có than được cấp phép tận thu than của UBND tỉnh. Tuy nhiên thực tế hiện nay có tới 61 dự án đã và đang chuẩn bị thi công trên đất có than. Có một số dự án trước khi thi công đã có phép tận thu than nên cấp huyện khó khăn trong quản lý nhà nước đối với các dự án này, nhất là khi nó hoạt động không đúng mục đích. Điển hình có dự án mang tên kinh doanh “sinh vật cảnh và du lịch sinh thái” ở Uông Bí, nhưng sau khi “tận thu than” với khối lượng 28.950 tấn, đã dừng hoạt động đầu tư từ 31-5-2013, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận, có dấu hiệu xác định mục đích chính của dự án là… khai thác than!
Việc các đơn vị ngành Than thuê tổ chức, cá nhân ngoài ngành đưa máy móc, thiết bị vào hoạt động trong khai trường, ranh giới mỏ cũng tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực, nếu quản lý không tốt.
Công tác quản lý cảng, bến chứa và xuất than còn lỏng lẻo. Tình trạng bến bãi không phép, hết phép, hoạt động trái phép, không đúng quy hoạch, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường còn tồn tại.
Công tác quản lý, giám sát các hoạt động thu mua than phát mại còn bộc lộ nhiều hạn chế. Vẫn còn tình trạng lợi dụng giấy phép được thu mua than phát mại để hợp thức hoá nguồn than trôi nổi. Không chỉ có than “vô chủ” trên bờ, ngay cả khi bắt giữ các tàu chở than “không rõ nguồn gốc” cũng không được phối hợp làm rõ để xử lý tận gốc.
Qua kiểm điểm thực hiện Nghị quyết 12, lần đầu tiên Quảng Ninh đã chỉ rõ “tận gốc vấn đề” những tồn tại, hạn chế cùng nguyên nhân của tình trạng than trái phép. Đây là cơ sở để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 12, nhanh chóng triệt xoá dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trái phép trên địa bàn.
Nguyên Đan
Ý kiến ()