Tết trồng cây
Đã thành nét đẹp truyền thống dịp đầu xuân, năm mới, cứ kết thúc Tết Nguyên đán là toàn tỉnh Quảng Ninh lại nô nức ra quân trồng cây đầu năm. Đây như dịp nhắc nhớ đến cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Còn nhớ Tết Trồng cây xuân Quý Mão 2023, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vào ngày mùng 6 tết âm lịch. Toàn tỉnh đã trồng tổng số 1 triệu cây xanh, cây gỗ lớn, cây bản địa. Không khí “trồng cây gây rừng” đã lan toả khắp mọi vùng miền trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành kế hoạch “Tết trồng cây” cũng như nhiệm vụ trồng rừng năm 2023 của tỉnh.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các sở, ngành, địa phương liên quan, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, năm qua diện tích trồng rừng tập trung trên toàn tỉnh đạt 13.612,87ha, bằng 116,9% kế hoạch tỉnh giao tại Quyết định số 3636/QĐ-UBND và bằng 110,5% chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng GRDP tại Kế hoạch số 07/KH-UBND. Toàn tỉnh trồng được 1.078,3ha lim, giổi, lát. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 944.588 cây (96.241 cây lim, giổi, lát); giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Xuân Giáp Thìn 2024 này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 26/1/2024 về việc tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” gắn với trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây vào ngày 15/2 (tức ngày 6 tháng Giêng, năm Giáp Thìn). Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn, toàn tỉnh phấn đấu trồng tối thiểu 1 triệu cây tại rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn. Trong đó, tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng rừng bằng lim, giổi, lát; trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đã đề ra là trồng rừng tập trung dự kiến 13.250ha (trồng 1.000ha lim, giổi, lát) và trồng 950.000 cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có trên 434.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên. Trong đó có 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất. Hằng năm, ngoài nâng cao chất lượng rừng, tích cực trồng rừng, Quảng Ninh còn đẩy mạnh trồng cây hoàn nguyên, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Với chủ trương, định hướng chuyển đổi mô hình tăng trường từ “nâu” sang “xanh”, suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh xác định bảo vệ môi trường, đầu tư cho rừng chính là đầu tư cho môi sinh, môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc đẩy mạnh trồng rừng, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn, cây bản địa lim, giổi, lát không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản phát triển, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thuỷ trên địa bàn tỉnh.
Với những ý nghĩa vô cùng lớn của “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, tin tưởng rằng, Quảng Ninh tiếp tục hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng cây gây rừng đã đặt ra cho Xuân Giáp Thìn và cả năm 2024.
Ý kiến ()