"Giáo dục nghề nghiệp của Quảng Ninh là một hoạt động kép..."
Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc 2024 vừa được tổ chức thành công tại Quảng Ninh tạo cơ hội cho các nhà giáo của tỉnh tiếp thu học tập kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) về công tác giáo dục của Quảng Ninh trong những năm qua.
- Thưa bà, nhìn lại Hội giảng vừa qua, để có những đánh giá chung nhất về thành công của Hội giảng, bà sẽ nói gì?
+ Đây không phải chỉ riêng cá nhân tôi mà là của tất cả những người tham gia hội giảng đều thừa nhận, đây là một hội giảng có quy mô lớn nhất. Cách tổ chức trọn vẹn và chu đáo nhất, thể hiện qua việc số lượng nhà giáo, lĩnh vực ngành nghề tham gia rất đông. Rồi đến các hoạt động bên lề phong phú, đa dạng và thiết thực. Chính vì thế, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng vì sự thành công của hội giảng này. Đặc biệt, nó lan tỏa và thu hút được trên 3.000 người đến với Quảng Ninh để có thể cùng đồng hành, chia sẻ với các nhà giáo tham gia hội giảng.
Hội giảng đã được tổ chức bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp, đã có 462 nhà giáo GDNN đến từ 266 cơ sở GDNN, đại diện cho trên 8.000 nhà giáo GDNN trong cả nước về tranh tài. Tôi tin rằng, thông qua các hoạt động tại Hội giảng, tình đoàn kết giữa các thầy cô, các cơ sở giáo dục sẽ ngày càng bền chặt hơn. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một môi trường GDNN tiên tiến, hiện đại, xứng đáng với truyền thống văn hóa và tiềm năng phát triển của đất nước.
- Là thành viên Ban Tổ chức, bà đánh giá thế nào về sự phối hợp của tỉnh Quảng Ninh?
+ Vấn đề này, chúng tôi cũng đã nói với các nhà báo ở trong cuộc họp báo tại Trung ương, trước sự chứng kiến của khoảng 30 tờ báo. Tôi đã nói một điều, đó là chúng tôi vô cùng yên tâm với sự phối hợp của Quảng Ninh - một đơn vị đăng cai rất trách nhiệm trong công tác phối hợp tổ chức Hội giảng lần này. Quảng Ninh thực sự là một địa phương mà chúng tôi thấy phù hợp nhất với một từ gọi là "hào sảng". Và mọi cái khó khăn, vất vả trong quá trình chuẩn bị, từ sự thay đổi các phương án do bão lũ gây ra, Quảng Ninh đã xử lý rất nhanh, gọn gàng, rất chuyên nghiệp và rất trách nhiệm với một tinh thần là dành những gì tốt nhất cho các nhà giáo. Chúng tôi vô cùng hài lòng về điều đó.
- Theo quan sát của bà, thì công tác GDNN của Quảng Ninh trong những năm qua như thế nào?
+ Về mặt chủ quan thì chúng tôi cũng có một số các dữ liệu minh chứng cho thấy, công tác GDNN của Quảng Ninh có sự thay đổi khá rõ trong những năm gần đây. Từ việc thay đổi về cơ cấu, có những trường đã ra hoạt động tự chủ toàn bộ, có những trường thì tỷ lệ tự chủ tăng cao lên.
Đấy là sự thay đổi về cơ cấu, phù hợp với chủ trương là xã hội hóa các hoạt động của GDNN. Và đó cũng là một thay đổi về mặt tổng thể, rất phù hợp với xu hướng hiện nay. Ở cấp độ thứ hai là cấp độ quản trị thì chúng tôi thấy là quy mô tuyển sinh của các trường cũng đã tăng lên. Đặc biệt hơn nữa là có một số trường của Quảng Ninh đã đón đầu, mở ra những ngành đào tạo mới, những ngành đào tạo mà nó rất cần cho xã hội hiện nay. Ví dụ như là Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đã mạnh dạn đăng ký để được cấp giấy phép đào tạo ngành y sĩ đa khoa trình độ cao đẳng. Đấy là một ngành đòi hỏi một chuyên môn rất cao, gần như là đào tạo trình độ bác sĩ rồi. Bên cạnh đó Trường Cao đẳng Việt - Hàn cũng đã đề xuất những ngành nghề mở mới mà nó phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay. Đặc biệt là những ngành mà nhu cầu của doanh nghiệp đang cần.
Tôi nhận thấy, Quảng Ninh đang chuẩn bị cho một ngành nghề sản xuất mới, một sự thu hút đông lao động, đó là ngành công nghệ ô tô chẳng hạn. Tôi thấy các trường đã bắt đầu đề xuất hướng được mở những ngành đào tạo liên quan, tăng quy mô đào tạo của những ngành liên quan để sẵn sàng chuẩn bị cho nguồn nhân lực của nhà máy sản xuất ô tô mới này. Tôi cho đấy là rất kịp thời, rất tiến bộ.
- Trong cơ cấu mà bà vừa nói thì các ngành nghề truyền thống như là dịch vụ du lịch, khai thác than từ trước đến nay được Quảng Ninh rất quan tâm. Bà nhìn nhận thế nào về câu chuyện của những ngành nghề này?
+ Những cái đó là thế mạnh của Quảng Ninh. Đã là thế mạnh thì vẫn đang phát huy tốt và đặc biệt là nhu cầu nhân lực của những ngành nghề này đang ngày một tăng thì sự nỗ lực cố gắng của các nhà trường tôi thấy càng rõ. Có những trường mà không phải thế mạnh về du lịch nhưng cũng đã đầu tư để mở những ngành đào tạo về du lịch để đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực với số lượng lớn. Những cái gì mà không phải là thế mạnh thì bao giờ cũng cần sự nỗ lực nhiều hơn so với những trường mà đã là thế mạnh rồi. Tôi thấy sự cố gắng này có ở những trường bản thân mà thế mạnh của họ không phải là đào tạo du lịch nhưng đã mở những khoa về du lịch thì điều đó phải động viên.
- Những năm gần đây, có một nguồn lao động là thanh niên dân tộc thiểu số về Quảng Ninh làm mỏ ngày càng tăng lên. Bà nghĩ sao về điều này?
+ Trước hết, chúng tôi thấy công tác quảng bá tuyển sinh của các trường làm rất tốt. Bởi vì, làm tốt mới có thể lan tỏa và thu hút được nguồn lao động là người dân tộc thiểu số ở những vùng mà truyền thông có thể chưa chạm tới. Nhưng các trường bằng những thế mạnh, sự linh hoạt của mình, đã tiếp cận được đến với đối tượng này và việc thu hút để tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số đến địa bàn Quảng Ninh. Tôi cho rằng đó là một hoạt động kép, vừa là đáp ứng nhu cầu giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng đồng thời nó vừa giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội khi mà những người đó họ ở lại địa phương, giữ đất cho quê hương và nó làm ổn định chính trị xã hội.
- Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, bà đã chia sẻ điều gì với đội ngũ giáo viên GDNN?
+ Đây là một câu hỏi rất hay. Đội ngũ nhà giáo GDNN là đội ngũ nhà giáo mà có vẻ như ít được chú ý nhiều nhất trong xã hội. Học sinh phổ thông thì có các bậc phụ huynh thường xuyên chăm sóc, quan tâm. Giáo dục đại học thì xã hội biết đến nhiều hơn, tri ân, tôn vinh họ nhiều hơn vì sinh viên cũng lớn rồi, cũng có những nhận thức tốt về vai trò của nhà giáo. Nhưng đối với GDNN thì có cái khó nhất định. Các nhà giáo thì giảng dạy trong những ngành nghề nó cũng không phải là quá hấp dẫn. Đối với xã hội, phụ huynh thì cũng không phải có điều kiện thường xuyên để có thể nắm bắt, theo dõi con em mình học hành.
Cho nên, chúng tôi luôn luôn mong muốn là các nhà giáo GDNN được truyền thông quan tâm nhiều hơn để chia sẻ những cố gắng, nỗ lực của họ, được lãnh đạo tỉnh, các địa phương quan tâm nhiều hơn. Họ chính là lực lượng đào tạo ra nguồn nhân lực lao động trực tiếp phù hợp với kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cho nên có thể nói đội ngũ nhà giáo GDNN vừa là nhà giáo nhưng vừa là người trực tiếp tham gia vào hệ thống sản xuất để tạo ra sản phẩm xã hội. Chúng tôi luôn mong các nhà giáo nói chung và các nhà giáo GDNN nói riêng sẽ luôn giữ được ngọn lửa nhiệt tình, đam mê, tâm huyết để truyền thụ kiến thức chuyên môn của mình. Mỗi nhà giáo không chỉ là một tấm gương đạo đức nghiêm khắc trên giảng đường, âm thầm cống hiến, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học trò mà còn là những người có tâm hồn nghệ sĩ. Những gì tốt đẹp trong tâm hồn, trong trái tim của nhà giáo sẽ lan toả cộng hưởng hơn để chúng ta đi đến tương lai của GDNN nói riêng, giáo dục nói chung. Ở đó, mỗi nhà giáo có vai trò dẫn đường, định hướng cho các thế hệ tương lai, khởi từ cái tâm của mình để truyền nhiệt huyết, truyền năng lượng cho thế hệ trẻ. Nhà giáo có hạnh phúc thì mới tạo ra các nhà trường hạnh phúc.
- Vâng, xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Ý kiến ()