Ba Chẽ: Chú trọng giáo dục văn hoá truyền thống
Những năm qua, huyện Ba Chẽ đã thực hiện chương trình giáo dục lịch sử truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc với nhiều giải pháp đồng bộ và đã đạt được kết quả tích cực.
Ba Chẽ có 14 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 80,5%, nhiều nhất là dân tộc Dao. Huyện có 7 di tích, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh, 3 di tích kiểm kê phân loại chưa được xếp hạng. Về văn hoá phi vật thể, các di sản được kiểm kê có đủ 7 loại hình văn hoá phi vật thể là: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tiếng nói, chữ viết.
Huyện luôn coi trọng công tác chỉ đạo triển khai giáo dục lịch sử truyền thống và bản sắc văn hóa nhằm phát huy văn hóa dân tộc. Ngành GD&ĐT thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo nói chung và môn lịch sử nói riêng, nhất là trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh học tập về Lịch sử Đảng bộ huyện, giới thiệu tài liệu giáo dục truyền thống và lịch sử huyện Ba Chẽ cho cấp tiểu học và THCS.
Đặc biệt, năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT huyện đã đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh và bền vững”. Các cơ sở giáo dục đã đưa tài liệu lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng của địa phương vào giảng dạy tại các cấp học và Trung tâm chính trị huyện. Với cấp tiểu học đã đưa vào giảng tại khối 4 với 32 lớp và 456 học sinh; khối lớp 5 với 32 lớp và 473 học sinh. Đồng thời giảng dạy lồng ghép 8 tiết/khối lớp; trải nghiệm thực tế 1 tiết tại di tích Miếu Ông - Miếu Bà cho 1.616 học sinh khối THCS.
Các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường được lồng ghép vào hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại đình Làng Dạ, Miếu Ông - Miếu Bà, Lễ hội Bàn Vương, tại các mô hình sản xuất, trồng cây dược liệu, trà hoa vàng, vườn kiểu mẫu. Hàng ngàn lượt học sinh được thi vẽ tranh, trình bày hiểu biết về di tích qua sơ đồ tư duy, chơi các trò chơi dân gian, học tập trải nghiệm tại các di tích lịch sử, tham gia tìm hiểu lịch sử qua chương trình Rung chuông vàng, các lễ hội, trình diễn trang phục dân tộc, biểu diễn văn nghệ dân tộc, sinh hoạt tại các câu lạc bộ về tìm hiểu lịch sử, gìn giữ bản sắc văn hóa.
Ngay cả với học sinh cấp học mầm non cũng được tổ chức hoạt động phát triển “Ngôn ngữ và văn hóa dân tộc”, “Phát triển nhận thức”, làm quen với làn điệu hát Then, nghề đan lát của địa phương, chơi các trò chơi dân gian, các hoạt động ngoại khóa như “Ngày tết quê em”, “Em thích làm chú bộ đội”. Đội ngũ giáo viên luôn coi trọng xây dựng môi trường học tập mang đậm bản sắc dân tộc, cùng các yếu tố lịch sử; áp dụng các phương pháp linh hoạt để học sinh trải nghiệm ngay từ chính môi trường nhà trường.
Huyện Ba Chẽ đặc biệt quan tâm đến tạo nguồn học sinh dân tộc thiểu số qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề gắn với bản sắc truyền thống địa phương; vận dụng sáng tạo giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương. Các xã trong huyện đã tổ chức phiên chợ vùng cao, thi ẩm thực của địa phương, trưng bày gian hàng ẩm thực và tham gia thi trình diễn trang phục, dân vũ.
Học sinh các trường nội trú và cán bộ công chức, viên chức toàn huyện duy trì mặc trang phục dân tộc vào buổi chào cờ thứ 2 hằng tuần, các ngày lễ lớn, lễ kỷ niệm, ngoại khoá. Trường PTDT Nội trú huyện tổ chức ngày hội STEM với chủ đề gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thu hút hơn 300 học sinh và phụ huynh tham gia.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, khẳng định: Việc giáo dục lịch sử truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa phương phong phú và thiết thực cho học sinh, góp phần củng cố niềm tự hào của thế hệ trẻ vào các giá trị văn hoá truyền thống, giá trị lịch sử. Từ đó, tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc, giúp các em tự tin, xây dựng cảm xúc, lý tưởng đúng đắn, góp phần xây dựng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp hơn...
Trong 5 năm trở lại đây, huyện Ba Chẽ còn mở 12 lớp truyền dạy cho 320 người tham gia thêu hoa văn của dân tộc Dao, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay và hát then đàn tính của dân tộc Tày; chạm bạc, nấu rượu truyền thống, múa mặt nạ Ka đong, chạm khắc mặt nạ gỗ và mặt nạ giấy, trò chơi vật chày... Đồng thời, thành lập được 3 CLB hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay, 2 CLB hát đối của dân tộc Dao, 1 CLB hát then đàn tính và 2 CLB thêu thổ cẩm của dân tộc Dao, thu hút 230 người tham gia sinh hoạt, tập luyện.
Những năm tới đây, huyện Ba Chẽ tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử; chú trọng gìn giữ bản sắc dân tộc địa phương nơi giảng dạy. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý tâm huyết với nghề, am hiểu văn hóa địa phương sẽ quyết định hiệu quả giáo dục vùng dân tộc thiểu số; tiếp tục đưa lịch sử địa phương, văn hóa mỗi dân tộc đến gần hơn giới trẻ để vun đắp tình yêu quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Ý kiến ()