Tăng trưởng GRDP 2022: Nhiều cơ hội rộng mở
Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 đạt 2 con số. Đây là mức tăng trưởng cao, đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn dự báo nhiều nguy cơ, thách thức, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung. Mặc dù vậy, năm 2022 cũng là năm tỉnh đặt nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng GRDP, do nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đã, đang được thực thi, tạo động lực lớn cho nền kinh tế địa phương tiếp tục đà phục hồi và phát triển nhanh.
Dư địa từ 2021
Tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh năm 2022 có “điểm tựa” khá vững chắc đến từ thành công trong phát triển KT-XH năm 2021. Đáng chú ý, GRDP năm 2021 đạt 10,28%, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, cao hơn nhiều lần so với GRDP của cả nước (GRDP 2021 cả nước ước đạt 2,5%). Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá, tốt. Trong đó: Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,51%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,59%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%; thuế sản phẩm tăng 6,05%. Năng suất lao động xã hội ước tăng 9,6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 93.938 tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 135.000 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2020...
Cùng với nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, năm 2021, tỉnh đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, động lực cả trong và ngoài ngân sách bằng nhiều giải pháp cụ thể. Nhờ vậy, ngay đầu năm 2022 Quảng Ninh đã đi vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, có ý nghĩa động lực, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương thời gian tới. Trong đó phải kể đến việc đưa vào sử dụng Cầu Tình yêu (dự án Cầu Cửa Lục 1), đường bao biển nối Hạ Long - Cẩm Phả, và thông tuyến kỹ thuật cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Riêng đối với cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đến nay, khối lượng thực hiện dự án đã đạt gần 80% các hạng mục, dự kiến tháng 4/2022, tỉnh sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng.
Các khu vực kinh tế của Quảng Ninh thời gian qua đã được tiếp sức bằng những cơ chế, chính sách kích cầu, thúc đẩy đầu tư khá hiệu quả. Năm 2021, nhất là vào thời điểm cuối năm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hàng loạt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư FDI của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... đã đến với Quảng Ninh để nghiên cứu, phát triển các dự án quy mô. Theo báo cáo tổng hợp từ của Sở KH&ĐT, đến hết năm 2021, tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách của tỉnh đạt 362.140 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 44 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 46.680 tỷ đồng, gấp 1,93 lần so với năm 2020; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 62 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là 315.459 tỷ đồng.
Có thể thấy, bước sang năm 2022, các khu vực kinh tế trong tỉnh đều có những chuyển động tích cực. Thấy rõ nhất là ở khu vực công nghiệp- xây dựng, mà trọng điểm là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã, đang có đà tăng trưởng rất tốt. Mới đây, ngày 10/1, tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) đã tổ chức lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam. Được biết, dự án có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất hơn 20ha. Mặc dù mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ cuối tháng 9/2021 nhưng chỉ sau gần 4 tháng triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã ra mắt sản xuất sản phẩm đầu tiên, vượt trước 7 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự án có tỷ suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha) - cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các KCN hiện nay của tỉnh. Dự kiến khi đi vào hoạt động chính thức vào tháng 4/2022, dự án sẽ tạo cơ hội việc làm cho 2.200 lao động địa phương, đóng góp quan trọng trong thu ngân sách tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng chia sẻ: Quảng Ninh đang bắt tay vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; đồng thời, cụ thể hoá Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu phát triển bền vững và đạt được 3 đột phá. Tỉnh Quảng Ninh hy vọng và tin tưởng, với ý thức trách nhiệm và sự nỗ lực của nhà đầu tư, sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và GRDP của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo; góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao của Quảng Ninh.
Quyết tâm đạt tăng trưởng cao
Các chỉ tiêu đạt được năm 2021, giúp tỉnh vững tin hơn khi bước sang thực hiện nhiệm vụ năm 2022, tuy nhiên, những thách thức đặt ra cho năm nay vẫn rất nhiều.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, khó khăn của năm 2022 chủ yếu vẫn đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; khả năng phục hồi nền kinh tế nói chung chưa đạt nhiều như kỳ vọng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực phổ thông và nguồn nhân lực chất lượng cao (kỹ sư, quản lý, phiên dịch) cũng đang là vấn đề khiến các nhà đầu tư băn khoăn khi lựa chọn các KCN, KKT tỉnh Quảng Ninh làm điểm thực hiện dự án. Ở khu vực dịch vụ, du lịch sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, không chỉ khách du lịch quốc tế mà khách du lịch nội địa cũng còn rất khó phục hồi trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dẫn đến hoạt động du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, dự báo năm 2022, số thu từ xăng dầu, thu từ than nhập khẩu có khả năng tiếp tục giảm.
Đầu tháng 12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-HĐND (ngày 9/12) về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022. Nghị quyết tiếp tục khẳng định rõ mục tiêu năm 2022 của Quảng Ninh, đó là: Thực hiện có hiệu quả Chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ổn định, phát triển KT-XH, giữ vững đà tăng trưởng hai con số. Phát biểu tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương khẩn trương vào guồng công việc, thực hiện ngay các nhiệm vụ phát triển KT-XH của ngành, lĩnh vực, địa phương được giao. Các chỉ tiêu của năm 2022 không thể bằng hoặc thấp hơn so với năm 2021, mà ngược lại, phải tính toán, xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp để đạt được tăng trưởng cao nhất. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2022 trên 10%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng tương ứng với tăng trưởng GRDP, thì các lĩnh vực, sản phẩm cần tăng tối thiểu tương ứng với các số liệu đề ra trong kịch bản tăng trưởng; kịch bản tăng trưởng kinh tế gắn kết chặt chẽ với kịch bản thu ngân sách.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đang tích cực xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm; tham mưu với tỉnh sớm triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022; Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế bền vững của địa phương giai đoạn 2022-2023 thích ứng với lộ trình kiểm soát dịch bệnh, trọng tâm là phục hồi ngành du lịch, dịch vụ và các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh của tỉnh Quảng Ninh sau khi Chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam được Chính phủ phê duyệt;…
Đáng chú ý, các sở, ngành, địa phương cũng đang tập trung xây dựng các giải pháp cụ thể, mang tính đột phá cho ngành, lĩnh vực của mình. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn, cho biết: Năm 2022, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện, bền vững cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị; chú trọng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao. Ngành Nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh để tranh thủ các nguồn vốn đầu tư FDI vào sản xuất, kinh doanh đối với một số lĩnh vực trọng tâm như: Phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.
Đối với ngành Du lịch, được dự báo có thể sớm phục hồi ở năm 2022, do đó, ngành Du lịch đang tích cực tham mưu xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển ngành du lịch trong tình hình mới. Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thuỷ cho biết: Để chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành kinh tế mũi nhọn là dịch vụ, du lịch, trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, năm 2022, ngành Du lịch tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó tập trung vào thị trường nội địa và một số thị trường quốc tế đã an toàn; Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá và tổ chức các hoạt động sự kiện phù hợp với tình hình mới. Đề xuất các giải pháp xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô trở thành động lực chính về phát triển dịch vụ của tỉnh và của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Các giải pháp phát triển nhanh theo hướng bền vững du lịch sinh thái biển-đảo chất lượng cao.
Được biết, đối với ngành Công Thương, hiện đang tích cực tham mưu với tỉnh để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đang phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh xây dựng các giải pháp thu hút hiệu quả các vốn nguồn đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, địa bàn trọng điểm; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển cụm ngành công nghiệp, mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ thực sự là động lực tăng trưởng. Song song với đó là thường xuyên nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để sớm đưa vào vận hành các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022.
Cùng với những khó khăn, thách thức lớn, Quảng Ninh cũng đã sớm nhận diện, đánh giá được nhiều thời cơ đến cho năm 2022 và từng bước xây dựng, triển khai các giải pháp thực hiện. Đây là động lực quan trọng để có thể tin tưởng, kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế 2022 của tỉnh.
Ý kiến ()