Tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm
Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước đã gây ra những tác động tiêu cực đến tình hình phát triển KT-XH. Thế nhưng, với những quyết sách đúng đắn, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp từ tỉnh tới cơ sở, Quảng Ninh đã trở thành một trong số những địa phương trong cả nước đảm bảo được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong đó, đáng chú ý, công nghiệp tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, 10 tháng năm 2021, chỉ số IIP tăng 9,68%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính, với mức tăng 36,21% so với cùng kỳ, qua đó bù đắp cho sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và ngành Than, ngành Điện không đạt kịch bản tăng trưởng. Thu NSNN ước đạt 37.391 tỷ đồng, bằng 72% dự toán, bằng 93% so cùng kỳ, trong đó: Thu từ hoạt động XNK ước đạt 7.837 tỷ đồng; thu nội địa ước đạt 29.554 tỷ đồng.
Các lĩnh vực cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, đối với chỉ số PAR Index, các chỉ số thành phần đang tiếp tục có sự tăng điểm ổn định và tiếp cận với điểm số tuyệt đối; chỉ số SIPAS, PAPI và các giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân vẫn đang được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng của công dân thông qua khảo sát tại trung tâm hành chính công các cấp trong 10 tháng đạt trên 99%.
Để đạt được kết quả trên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh đã họp bàn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; tạo đột phá trong việc thu hút đầu tư, cũng như tích cực tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt, đối thoại, tìm tiếng nói chung, để từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỉnh cũng thành lập và ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn Quảng Ninh (gọi tắt là Quang Ninh Investor Care)...
Chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua rất quyết liệt trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch gắn với đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhất là ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, từ đó, một số chỉ tiêu phát triển KT-XH vẫn được giữ vững, thậm chí có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm, tỉnh phấn đấu triển khai dứt điểm kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 và tiêm vét cho người trên 18 tuổi, ưu tiên tiêm tối đa những trường hợp từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý nền, sẵn sàng tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi và tiêm tăng cường khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
Song song với đó, cuối năm 2021, Quảng Ninh phấn đấu đưa thêm 3 công trình động lực vào khai thác, trong đó cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ là công trình quan trọng để phát huy lợi thế các cửa khẩu, tạo ra cực tăng trưởng mới. Quảng Ninh quyết tâm giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh, các chỉ số xếp hạng; xây dựng các chỉ tiêu cụ thể, gắn với trách nhiệm các ngành, thực tế địa phương để ưu tiên phát triển, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh…
Cùng với các nội dung trên, Quảng Ninh cũng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 178/KH-UBND về kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2021, quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 tăng 10,5%, để hoàn thành mục tiêu của tỉnh và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.
Trong đó, quyết tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công; tập trung khai thác nguồn thu mới như khuyến khích các nhà thầu xây dựng tỉnh ngoài đang thực hiện dự án tại Quảng Ninh thành lập công ty con, hoặc chi nhánh hạch toán độc lập để tăng thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh; xây dựng phương án bù hụt thu từ các khoản thu còn dư địa; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất các dự án đã có chủ trương, nguồn thu đất đá thải mỏ sử dụng để san lấp mặt bằng các dự án, thu thuế nhà thầu đảm bảo cân đối vốn đầu tư và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu dự toán thu đã được giao.
Việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021 cũng tiếp tục được tỉnh tập trung thực hiện. Trong đó quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách cần ưu tiên hỗ trợ triển khai trong năm 2021 với phương châm “làm đúng - làm nhanh - làm tốt”; tiếp tục duy trì hằng tuần các phiên Cafe doanh nhân, các cuộc gặp trực tiếp để giải quyết những khó khăn vướng mắc đối với từng lĩnh vực cụ thể.
Tỉnh cũng tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, vừa để đảm bảo hiệu quả công việc, vừa có thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu hoạt động, làm việc của các cơ quan, đơn vị và phục vụ đời sống hàng ngày của mỗi người dân.
Riêng đối khu vực công nghiệp và xây dựng, tỉnh yêu cầu cơ quan tham mưu bám sát Bộ Công Thương để giao tăng sản lượng than, điện theo kịch bản đề ra. Các sở, ngành, địa phương tăng cường giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp dệt may, loa, màn hình tivi, thân mũ… tăng năng suất, sản lượng, đóng góp tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong tháng 11, các cấp, ngành cần chủ động phối hợp cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời số liệu gửi về Cục Thống kê tỉnh để tổng hợp, tính toán GRDP, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Cục Thống kê tỉnh chủ trì phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, cập nhật tổng hợp đầy đủ số liệu thống kê theo tình hình thực tế, trên cơ sở đó báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 2 con số, qua đó đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.
Ý kiến ()