
Quảng Ninh: Tăng cường kiểm tra, rà soát, thu hồi 12 loại sữa giả
Liên quan đến 12 loại sữa giả vừa bị cơ quan Công an phát hiện của hai Công ty Cổ phần Dược Quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hacofood, các ngành, lực lượng chức năng của Quảng Ninh đang tích cực rà soát, kiểm tra trong phạm vi toàn tỉnh, không để các mặt hàng này lưu hành trên thị trường, góp phần đảm bảo ổn định thị trường và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Hiện nay, theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh đang có 133 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại; 384 cửa hàng tiện lợi; 24.000 cửa hàng/hộ kinh doanh bán lẻ thực phẩm.
Ngay sau khi có thông tin của Bộ Công An về các loại sữa giả đang lưu hành trên thị trường, ngành Công Thương Quảng Ninh đã nhanh chóng yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) toàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, tại tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ có kinh doanh các loại sữa trên địa bàn, nhằm phát hiện và thu hồi các loại sữa giả nói trên (nếu có); tăng cường công tác quản lý, rà soát các hoạt động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn và cập nhật thường xuyên vào Hệ thống INS để theo dõi; thực hiện nắm tình hình cơ sở, cập nhật các thông tin về các sản phẩm sữa giả; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý, thu hồi bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng… Đồng thời, các Đội QLTT tại các địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh sữa giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, vi phạm về nhãn hàng hóa và các điều kiện trong kinh doanh sữa trên địa bàn tỉnh.

Bà Đinh Tuyết Nhung, Đội trưởng Đội QLTT số 5, Chi Cục QLTT, Sở Công Thương cho biết: Chúng tôi làm nhiệm vụ QLTT trên địa bàn TP Hạ Long, là địa phương có diện tích rộng và có nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán. Mặc dù khối lượng công việc rất lớn, song việc giám sát các mặt hàng sữa giả vẫn đang được triển khai tích cực. Hiện tại, chúng tôi đang tích cực chủ động phối hợp với Phòng Y tế TP Hạ Long tiến hành rà soát, kiểm tra đối với 12 nhóm sữa giả tại các cửa hàng kinh doanh sữa, hộ kinh doanh, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn. Nếu phát hiện việc kinh doanh các sản phẩm sữa thuộc các nhóm hàng đã được công bố, chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi và xử lý nghiêm đúng theo quy định của pháp luật.
Chị Triệu Thu Hằng, chủ cơ sở kinh doanh sữa Minh Khoa, phường Hà Lầm, TP Hạ Long, cho biết: Qua việc nắm thông tin trên các phương tiện truyền thông và việc tuyên truyền của các lực lượng chức năng, cửa hàng chúng tôi đã nhanh chóng rà soát lại các mặt hàng sữa kinh doanh để tự kiểm tra xem có kinh doanh phải các mặt hàng sữa giả theo danh mục đã được công bố hay không. Thời gian tới, trong quá trình nhập các sản phẩm sữa để bán, chúng tôi sẽ chú ý kỹ lưỡng trong việc kiểm tra nguồn gốc, chủng loại sữa để tránh việc kinh doanh phải các sản phẩm sữa giả. Cửa hàng sẽ bán các sản phẩm sữa chính hãng, đã được kiểm tra, kiểm nghiệm và cấp phép để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về yêu cầu rà soát, kiểm tra và thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả vừa bị Bộ Công an phát hiện và đang tồn tại trên thị trường, Sở Y tế Quảng Ninh cũng ban hành văn bản đề nghị phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn quản lý tiến hành thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm nói trên, xử lý theo quy định của pháp luật; chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, cũng như phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh sữa, thực phẩm dinh dưỡng dạng sữa bột trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
Đối với các sản phẩm sữa bổ sung dinh dưỡng, từ ngày 21/4/2025, ngành Y tế cũng đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tại 927 nhà thuốc, quầy thuốc, có kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng trên địa bàn. Trong tháng hành động về ATTP, tỉnh Quảng Ninh cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó cũng đã kiểm tra đối với các sản phẩm: sữa, các sản phẩm thực phẩm chức năng dạng sữa,…

Theo các cơ quan chức năng, tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận các loại sữa bột giả nói trên được lưu hành tại Quảng Ninh. Song, nếu người dân có phát hiện 12 loại sữa giả nói trên, thì có thể phản ánh ngay tới đường dây nóng của Chi cục ATTP tỉnh, cũng như các ngành thành viên Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh, để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý. Đồng thời, Chi cục khuyến cáo người dân, ngoài 12 loại sữa giả nói trên, người dân cũng không nên sử dụng 72 loại sữa khác của hai Công ty Cổ phần Dược Quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hacofood cho đến khi hoàn tất quá trình kiểm nghiệm và có kết luận cuối cùng.
Ý kiến ()