Phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng
Là địa phương không ngừng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Quảng Ninh luôn tiên phong, đi đầu, tạo đột phá trong nhiều lĩnh vực, được Trung ương, cùng các tỉnh, thành bạn đánh giá cao. Trong đó một trong những thành quả nổi bật là tỉnh tạo đột phá về phát triển hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Qua đó đã và đang tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Quảng Ninh mà còn cho cả vùng phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những năm qua, với quan điểm giao thông đi trước, Quảng Ninh đã có những cách làm sáng tạo, đột phá, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối vùng, liên kết nội vùng để tạo ra dư địa, không gian phát triển mới từ những tỉnh, thành phố được kết nối, cũng như thúc đẩy các địa phương trong tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ. Tiêu biểu như Quảng Ninh đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 24,6km, rộng 25m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h. Công trình đưa vào sử dụng đã tạo kết nối chặt chẽ giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Để kết nối với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh chủ động đầu tư cầu Triều và đường dẫn nối QL18 (TX Đông Triều) với đường tỉnh 389 (TX Kinh Môn) có tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Cầu Triều không chỉ nối với tỉnh lộ 389 của Hải Dương, mà sau này được kết nối đồng bộ với tuyến đường ven sông nối với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng qua TX Quảng Yên, TP Uông Bí tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch, thông suốt, mở ra triển vọng phát triển mới cho cả khu vực phía Tây của tỉnh. Trước đó, Quảng Ninh đưa vào sử dụng cầu Đông Mai nối hai địa phương là xã Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) và phường Văn Đức (TP Chí Linh) với tổng mức đầu tư 96,2 tỷ đồng.
Không chỉ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, Quảng Ninh còn chú trọng, tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối quốc tế thông qua hệ thống đường cao tốc nối với Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… Điển hình tháng 9/2022, Quảng Ninh đã đưa Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào sử dụng. Đây là mảnh ghép cuối cùng tạo trục giao thông đồng bộ, liên thông tổng thể bằng cao tốc từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh và kết nối liên thông với hệ thống đường cao tốc quốc gia. Tuyến cao tốc đã rút ngắn thời gian kết nối giữa Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái nơi cửa ngõ của Asean với các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc với các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước, các khu kinh tế của tỉnh. Qua đó, tạo lợi thế thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, logistics, phát triển kinh tế xã hội…
Nhằm tiếp tục tăng cường hơn nữa kết nối với TP Hải Phòng, mở rộng không gian phát triển vùng, tháng 5/2022, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng phối hợp đầu tư cầu Bến Rừng nối TX Quảng Yên và huyện Thủy Nguyên, với tổng mức đầu tư hơn 1.940 tỉ đồng. Cầu có thiết kế dài 1.865,3m, rộng 21,5m. Dự án phấn đấu hoàn thành trong năm 2023. Tháng 2/2023, tỉnh Quảng Ninh còn phối hợp cùng TP Hải Phòng tổ chức khởi công đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 nối TX Đông Triều với huyện Thủy Nguyên qua sông Đá Bạch, với tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng. Các công trình này khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần thúc đẩy liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng.
Không chỉ chú trọng kết nối với Hải Phòng, Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh còn dành nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương Bắc Giang, Lạng Sơn. Hiện, tuyến đường 342 qua địa bàn huyện Ba Chẽ kết nối với tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai thi công; tuyến đường 279 đoạn qua địa bàn TP Hạ Long kết nối với tỉnh Bắc Giang đang hoàn thiện các bước chuẩn bị đầu tư.
Có thể thấy, với tầm nhìn chiến lược, Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng giao thông liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, qua đó mở rộng không gian, dư địa phát triển, đưa Quảng Ninh thực sự trở thành hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Ý kiến ()