
Tầm nhìn chiến lược và dấu ấn của Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngành Dầu khí
Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - nguyên Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có bài viết về vai trò và những dấu ấn của Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngành Dầu khí.
Quá trình phát triển của ngành Dầu khí gắn liền với tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo cấp cao qua các thời kỳ.
TTXVN trân trọng giới thiệu nội dung bài viết của ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - nguyên là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) về vai trò và những dấu ấn của Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngành Dầu khí.
Tầm nhìn chiến lược
Ngành Dầu khí Việt Nam mãi mãi ghi nhớ hình ảnh một nhà lãnh đạo gần gũi, sâu sát, luôn dành cho lớp lớp cán bộ, công nhân viên những tình cảm đặc biệt.
Trong suốt những năm tháng công tác, dù ở cương vị nào - từ nhà địa chất, cán bộ lãnh đạo đến người đứng đầu Nhà nước - đồng chí Trần Đức Lương đều dành sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Ngay từ những năm cuối thập niên 1950, trong bối cảnh miền Bắc vừa giành được hòa bình, khôi phục kinh tế hậu chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến công du sang các nước xã hội chủ nghĩa có nền khoa học kỹ thuật phát triển nhằm thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện.
Đây là bước đi có tính chiến lược để tiếp nhận sự giúp đỡ về kinh tế, kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế trọng điểm, trong đó có địa chất và dầu khí.
Trong bối cảnh lúc đó, ngành địa chất và dầu khí Việt Nam gần như chưa có nền tảng cán bộ và công nghệ bài bản do hậu quả của chế độ cũ để lại. Sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trong việc cử chuyên gia sang hỗ trợ, đào tạo cán bộ được xem như “những viên gạch đầu tiên” xây dựng nên nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam sau này.
Đồng chí Trần Đức Lương cũng là một trong những học viên đầu tiên của lớp đào tạo chuyên viên địa chất do Liên Xô tổ chức. Từ đó, đồng chí cùng các đồng nghiệp đã góp phần tạo nên thế hệ cán bộ chủ chốt, nối tiếp và phát triển ngành địa chất-dầu khí nước nhà.

Từng là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất đầu tiên, đồng chí Trần Đức Lương rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn, cũng như từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, kỹ thuật trong ngành. Đồng chí nhận thức sâu sắc rằng, để ngành Dầu khí phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và áp dụng công nghệ tiên tiến là vô cùng cần thiết.
Đồng thời, đồng chí luôn nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp trong việc khai thác, bảo vệ tài nguyên dầu khí, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của ngành, đồng thời bảo đảm lợi ích quốc gia và giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên biển.
Sự quan tâm sâu sát này đã góp phần định hướng cho ngành Dầu khí từng bước trưởng thành, trở thành ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn của đất nước.
Không chỉ là một nhà lãnh đạo với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn luôn gần gũi, sâu sát với từng cán bộ công nhân viên ngành Dầu khí.
Những hình ảnh thân mật, giản dị của đồng chí khi xuống tận các dự án, công trường, hay những buổi gặp gỡ, động viên trực tiếp từng kỹ sư, công nhân đã in sâu trong ký ức của nhiều thế hệ người lao động.
Đồng chí không chỉ quan tâm đến tiến độ công việc, hiệu quả sản xuất mà còn thấu hiểu những vất vả, hiểm nguy của người làm nghề dầu khí - những “chiến sĩ thầm lặng” giữa biển khơi.
Với nụ cười hiền hậu, ánh mắt ấm áp, đồng chí luôn lắng nghe tâm tư, chia sẻ khó khăn và động viên tinh thần bằng cả trái tim. Chính sự gần gũi, chân thành ấy đã tạo nên sự gắn bó mật thiết, truyền cảm hứng mạnh mẽ, giúp ngành Dầu khí vượt qua bao thử thách để ngày càng phát triển vững mạnh.
Những quyết định "lịch sử"
Trong thập niên 1990, khi đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách ngành Dầu khí, đồng chí Trần Đức Lương đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngành trong giai đoạn phát triển mới. Đây là thời kỳ dầu khí trở thành ngành kinh tế hàng đầu, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, đặc biệt từ việc khai thác thành công mỏ Bạch Hổ qua liên doanh Vietsovpetro - kết quả hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Liên Xô (Liên bang Nga).
Đồng chí Trần Đức Lương đặc biệt quan tâm và trực tiếp chỉ đạo quyết định đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ - một bước đi mang tính chiến lược trong phát triển ngành Dầu khí và năng lượng quốc gia.
Trước đó, việc xử lý khí đồng hành gặp nhiều thách thức về mặt kỹ thuật và kinh tế, dẫn đến việc sử dụng phương pháp đốt khí ngoài biển trong một thời gian dài nhằm đảm bảo an toàn và ổn định sản xuất.
Việc đầu tư hệ thống dẫn khí vào bờ đã góp phần khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên quý giá này, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường, mở ra hướng phát triển năng lượng sạch và bền vững cho khu vực.
Với sự nghiên cứu kỹ lưỡng và quyết tâm dám làm, đồng chí đã mạnh dạn đề xuất vay 60 triệu USD từ Nhật Bản để triển khai dự án đường ống dẫn khí vào bờ.
Quyết định này đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, đưa ngành Dầu khí bước vào kỷ nguyên mới, tạo ra nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Thành công của dự án đã mở đường cho sự phát triển của cụm công nghiệp Khí-Điện-Đạm Phú Mỹ, góp phần nâng cao công suất điện và đa dạng hóa nguồn năng lượng quốc gia.
Sự phát triển của cụm công nghiệp này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn năng lượng quốc gia mà còn tạo ra sản lượng điện lớn, tương đương nhà máy thủy điện Hòa Bình, góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện toàn quốc. Đây cũng là minh chứng rõ ràng về sự lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và quyết đoán của đồng chí cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Một trong những quyết định quan trọng bậc nhất của Đảng, Nhà nước ta cũng như cá nhân Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Võ Văn Kiệt là xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Khi bàn về quyết định xây dựng dự án trọng điểm quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực lọc hóa dầu, đồng chí Trần Đức Lương cho biết đây là một quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng, từ việc đấu thầu chọn nhà đầu tư đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng.
Các phương án được xem xét kỹ lưỡng gồm Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa). Qua khảo sát, đánh giá tác động giao thông, môi trường và các điều kiện kỹ thuật, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã quyết định chọn Dung Quất làm nơi xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.
Quyết định này không chỉ bảo đảm hiệu quả kinh tế mà còn thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.Qua từng giai đoạn phát triển ngành Dầu khí, sự lãnh đạo kiên định, sâu sát của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ qua vai trò những người đứng đầu như đồng chí Trần Đức Lương.
Từ việc xây dựng lớp cán bộ đầu tiên, đổi mới mô hình hợp tác quốc tế, đầu tư công nghệ, đến những quyết định trọng đại về chiến lược phát triển ngành, tất cả đều nhằm phát huy tối đa tiềm năng tài nguyên, góp phần nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng chí Trần Đức Lương không chỉ là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược sâu sắc mà còn là người bạn đồng hành tận tâm, gần gũi với ngành Dầu khí Việt Nam.
Qua từng giai đoạn phát triển, từ những bước đầu xây dựng nền móng đến những quyết định táo bạo, mang tính lịch sử, đồng chí đã góp phần định hình con đường phát triển bền vững cho ngành công nghiệp mũi nhọn này.
Những tình cảm, đóng góp và dấu ấn của đồng chí sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử phát triển của ngành - như ngọn lửa bền bỉ, truyền sức mạnh cho các thế hệ kế thừa vững bước trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới./.
Ý kiến ()