Tấm biển giữa Bangkok
Tấm biển "nhắc nhở" ở Bangkok - Ảnh: Việt Phương
Tấm biển trên đặt ngay giao lộ Prachanukhun ở quận Chatuchak của Bangkok. Người Thái giật mình cũng phải. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và ngày càng thu hút được nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài. Trong khi đó, Thái Lan vừa trải qua cuộc "cải cách chính trị" hồi tháng 9 năm ngoái và dường như tốc độ phát triển của nước này có phần chậm lại. Việt Nam cũng chẳng phải xa xôi gì với Thái Lan. Hai nước đều nằm ngay trong khu vực Đông Nam Á. Không cần biết bao lâu Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan nhưng người Thái cứ lo trước đã.
Thật vậy, người Thái nhắc đến Việt Nam nhiều trong thời gian gần đây. Một số tạp chí còn có các bài chuyên đề về Việt Nam mà gần đây nhất là tờ G-Mag dành hẳn 7 trang để nói về những thành tựu mà nước ta đạt được dưới nhan đề: Việt Nam trên đà phát triển. Ngoài trang bìa của tạp chí này là hình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nền cờ đỏ sao vàng nổi bật. Những người dân thường đôi khi cũng bàn tán về Việt Nam. Một ngày sau sự kiện 19.9.2006, tại ngôi đền Erawan ngay trung tâm Bangkok, một người đàn ông trung niên tâm sự: "Việt Nam ư? Chỉ 5 năm nữa thôi Việt Nam sẽ vượt lên Thái Lan". Tại một quán ăn bình dân khác gần Tượng đài Chiến thắng, một người phụ nữ nói: "5 năm nữa thôi, Thái Lan sẽ tụt lại sau Việt Nam. Việt Nam đang phát triển nhanh quá". Nhiều người dân Thái được hỏi về vấn đề này đều trả lời con số 5. Tại sao lại là 5 năm? 5 năm có phải là quá nhanh? Xin dẫn một ví dụ nho nhỏ: chỉ riêng về hệ thống cầu đường, giao thông và cơ sở hạ tầng thì xin đoan chắc trong vòng 5 năm Việt Nam chưa thể vượt qua Thái Lan. 10 năm chăng? Có thể. Nhưng người Thái đặt ra mốc 5 năm. Họ đã lo lắng từ bây giờ. Có lẽ họ đã thấm câu chuyện ngụ ngôn "Thỏ và rùa". Họ đã là thỏ. Cái lo lắng của họ hoàn toàn hợp lý.
Tại sao người ta lại phát minh ra phương pháp phân tích SWOT? Tại sao SWOT lại được áp dụng vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống và ngay cả bản thân mỗi người đến thế? SWOT có nghĩa là strengths (ưu điểm), weaknesses (nhược điểm), opportunities (cơ hội) và threats (nguy cơ). Người ta dùng SWOT để phân tích đặc điểm sản phẩm, công ty và thậm chí là bản thân trước khi lập một kế hoạch phù hợp cho tương lai. Ưu điểm và cơ hội thì dễ rồi, ai cũng có thể kể ra. Còn nhược điểm và nguy cơ? Liệu 2 yếu tố này có dễ đối mặt. Không ai hoàn hảo. Bởi vậy, ưu điểm luôn đi kèm với nhược điểm. Trong cơ hội luôn có nguy cơ rình rập. Nhược điểm và nguy cơ cũng cần được xác định rõ ràng không kém 2 yếu tố còn lại.
Người Nhật từng dạy học sinh rằng các em sinh ra trong một đất nước nghèo tài nguyên, một đất nước từng thua trận trong chiến tranh. Người Nhật đã nhận ra nhược điểm và nguy cơ của mình. Việt Nam có rừng vàng, biển bạc, được thiên nhiên ưu đãi, chúng ta phải lo điều gì?
Ý kiến ()