Tái nhiễm Covid-19
Với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, cả nước nói chung, Quảng Ninh đang sống trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Mọi hoạt động của cuộc sống đời thường, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, văn hoá… đã trở lại bình thường.
Như ở Quảng Ninh nhờ vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, đến thời điểm này, tỷ lệ bao phủ tiêm đủ 2 mũi cho lứa tuổi từ 12 tuổi đến 18 tuổi đạt trên 99% và gần 96% đối với người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 3 mũi (liều bổ sung), Quảng Ninh vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới trong niềm vui mừng, hạnh phúc của người dân.
Mặc dù số ca mắc trên địa bàn tỉnh hiện tại đã giảm mạnh so với thời gian đỉnh dịch cuối tháng 2, đầu tháng 3, tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, hiện vẫn chưa phải thời điểm có thể buông lỏng hoàn toàn các biện pháp phòng tránh dịch. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí sôi động trở lại, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, vẫn tiềm ẩn nguy cơ mắc mới và đặc biệt là tái nhiễm Covid-19 đối với người dân.
Thời gian qua, số ca tái nhiễm Covid-19 đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như trường hợp anh N.Q.H. ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long trong vòng 3 tháng bị tái nhiễm Covid-19 2 lần. Anh H. chia sẻ do công việc làm nghề kinh doanh phải tiếp xúc với nhiều người mỗi ngày, cùng với tâm lý chủ quan mình đã tiêm 3 mũi vắc xin và mắc Covid-19 rồi sẽ không mắc lại nữa, nên khi tiếp xúc với khách hàng anh có đôi lúc kéo khẩu trang xuống dưới cắm. Điều này đã dẫn đến anh bị tái nhiễm đến 2 lần. Hai như chị B.T.L.T. ở phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, vừa mới khỏi Covid-19 cuối tháng 1 thì đến đầu tháng 3, chị lại tiếp tục là F0 lần 2, trong khi chăm sóc con nhỏ mắc Covid-19.
Theo các chuyên gia y tế, ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh. SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh.
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, những đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên, dù F0 trước đó gặp bất cứ biến chủng nào. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm Covid-19.
Theo các bác sĩ, dù tỷ lệ tái nhiễm Covid-19 không cao, thường có triệu chứng nhẹ hơn nhưng người dân tuyệt đối không được chủ quan, xem thường. Việc tái nhiễm Covid-19 liên quan đến cơ chế miễn dịch của cơ thể. Tương tự như sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh, trong cơ thể người mắc Covid-19 sẽ sinh ra kháng thể. Tuy nhiên, lượng kháng thể này giảm dần theo thời gian, dẫn đến việc tái nhiễm. Ngoài ra, việc xuất hiện nhiều biến chủng của Covid-19 đồng thời lưu hành cũng dẫn đến việc người mắc Covid-19 có thể tái nhiễm với một biến chủng khác.
Để tránh tái nhiễm Covid-19, các chuyên gia khuyến cáo, những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, âm tính không có nghĩa là đã tạo được miễn dịch suốt đời. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, thăm khám khi có triệu chứng hậu Covid-19, đặc biệt vắc xin - khẩu trang- khử khuẩn vẫn là những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh mắc mới cũng như tái nhiễm Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Ý kiến ()