
Tạc tượng Bác Hồ bằng than đá
Tượng Bác Hồ bằng chất liệu than đá vừa thể hiện được tình cảm của người Vùng mỏ lại có vẻ đẹp sáng bóng, không bị oxy hóa, khó bào mòn, có thể trường tồn hàng trăm năm.
Người đầu tiên tạc tượng Bác Hồ bằng than đá không phải là nhà điêu khắc mà là một thợ mỏ. Ông tên là Mão, chưa rõ họ, chỉ biết là ở Cẩm Phả. Bức tượng cao chừng 40cm, khá mộc mạc nhưng thể hiện tình cảm chân thành của người thợ dành cho lãnh tụ. Bức tượng than đá này đã được gửi lên Chiến khu tặng Người vào năm 1951, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều họa sĩ, nghệ nhân của Quảng Ninh tuy tay nghề chưa thật cao nhưng đã mạnh dạn làm tượng Bác vì hình ảnh Người luôn ở trong tim họ. Đơn cử như thợ mỏ Đới Ngọc Mạnh, công nhân xưởng mỹ nghệ của mỏ than Cẩm Phả, sau chuyển về mỏ Đèo Nai, đã làm tượng Bác bằng than tặng Trung ương Đảng. Ông sở hữu bức tượng than đá kỷ lục tạc Bác Hồ cao 1m45, nặng 600kg, được hoàn thành trong 45 ngày. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trao bức tượng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Một nghệ nhân làm tượng Bác Hồ bằng than đá có tính mỹ thuật cao là ông Nguyễn Tuấn Lợi. Để làm tượng, ông phải sưu tầm rất nhiều bức tượng chân dung Bác Hồ, tìm gặp những người đã trực tiếp gặp Bác để nghe câu chuyện của họ kể rồi mới sáng tác. Mẫu tượng than đá của ông thể hiện Bác Hồ hiền từ toát ra từ ánh mắt, hàm răng, nụ cười với nhiều chi tiết đặc tả. Ông còn pha sơn với xăng để đánh bóng cho bức tượng thêm sáng đẹp. Trong cuộc đời mình, ông Lợi đã sáng tác được hơn 100 bức tượng Bác Hồ bằng than đá. Nhiều tượng đã được dùng làm quà tặng trong nước cũng như ngoại giao, như: Bức chân dung Bác Hồ khảm bằng đá Tấn Mài gắn trên một hòn than lớn tựa như vầng trăng xuống núi tặng Đại hội Đảng lần thứ V, phù điêu than đá Bác Hồ khảm xà cừ với bó hoa sen cách điệu tặng Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, chân dung Bác Hồ cao gần 1m được tỉnh Quảng Ninh tặng Trung ương Đảng vào dịp kỷ niệm 40 năm tiếp quản Vùng mỏ...
Nhà điêu khắc Nguyễn Viết Quang, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, cũng sáng tác một số tượng than về Bác Hồ, như: Tượng "Bác Hồ với Anh hùng Titop", phù điêu "Bác Hồ thăm công nhân mỏ". Nhiều nhà điêu khắc đã để lại dấu ấn của mình khi tạc tượng Bác Hồ bằng các chất liệu đá hoa cương, thạch cao... nhưng tạc tượng bằng than kíp-lê thành công và hiện vẫn còn tiếp tục làm thì có lẽ chỉ có nghệ nhân Phạm Duy Thanh ở TP Cẩm Phả.

Từ năm 2005 khi bắt đầu nghỉ hưu, ông Phạm Duy Thanh đã nỗ lực tự học, tự vươn lên theo đuổi nhiều chất liệu khác nhau nhưng cuối cùng dừng lại ở than đá, bởi vì theo ông chỉ có chất liệu đó mới thể hiện được tình cảm của Bác Hồ với vùng than thân yêu. Chính ông Thanh cũng không nhớ hết mình đã làm bao nhiêu bức tượng Bác. Một số bức tượng mà ông sáng tác, như: “Bác Hồ ở chiến dịch biên giới”, “Bác Hồ với chiến sĩ hải quân”, “Bác Hồ với thợ lò”, “Bác Hồ với các dân tộc Quảng Ninh”, “Bác Hồ về thăm mỏ”... Không riêng gì tượng tròn, ông Thanh còn làm cả phù điêu than về đề tài hình tượng Bác Hồ.
Cũng theo ông Thanh, làm tượng than khó hơn các chất liệu khác như gỗ, đá, thạch cao, xi măng. Than phải chọn than già và cứng, thớ than thuần nhất và phải có kích thước đủ lớn. Than đá là chất liệu tốt nhất để thể hiện tình cảm của người vùng than với Bác Hồ. Và cũng nhờ hình tượng Bác Hồ mà giá trị nghệ thuật của than đá đã được nâng cao lên rất nhiều.
Đến nay, nghệ nhân Phạm Duy Thanh đã 2 lần được trao giải thưởng Võ Huy Tâm của TP Cẩm Phả, nhiều lần nhận giải thưởng ở các cuộc thi, cuộc triển lãm cấp tỉnh. Ông cũng đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là Nghệ nhân dân gian Việt Nam vào năm 2015.

Một người đã có tuổi nhưng mới vào nghề tạc tượng than là ông Nguyễn Tiến Hoè, nguyên chiến sĩ Binh đoàn Than. Từ là cán bộ thuộc Công ty Quốc doanh Mỹ thuật, Mỹ nghệ, Nhiếp ảnh, Vật phẩm thuộc Ty Văn hoá - Thông tin trước đây, ông Hoè có điều kiện tiếp xúc với nghệ nhân Nguyễn Tuấn Lợi, các nhà điêu khắc Lê Văn Minh và Nguyễn Văn Quế là những người sau này trực tiếp tham gia làm tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô vào năm 1968. Khi gần 70 tuổi, ông Hoè mới chuyển sang sáng tác hình tượng Bác Hồ. Vào năm 2017, nhân kỷ niệm 50 năm Binh đoàn Than ra trận, ông Hoè đã sáng tác một bức phù điêu lớn với tên gọi “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Ông Hoè chia sẻ rằng, khi còn sức khoẻ và còn tìm được than kíp lê thì ông còn làm phù điêu Bác Hồ. Ông cũng mong kiếm được một hòn than nguyên khối lớn để làm hẳn tượng Bác Hồ to mà không cần phải ghép các mảnh vào với nhau, thể hiện tầm vóc vĩ đại của Người cũng như sự kính ngưỡng của mỗi công dân Vùng mỏ Quảng Ninh như ông với vị cha già dân tộc...
Nhìn chung, các nghệ nhân làm tượng than ở Quảng Ninh đều không được đào tạo bài bản, cũng chưa trực tiếp được gặp Bác Hồ nhưng với nỗ lực cá nhân, họ đã sáng tác ra nhiều bức tượng đẹp từ cảm xúc kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ý kiến ()