Tác phong thời WTO
Nếu các doanh nghiệp trong nước không nhanh chóng thay đổi cách nghĩ, cách làm, không khẩn trương tiếp cận luật chơi mới thì khó bề trụ nổi. Và như vậy doanh nghiệp sẽ bị phá sản, gặp khó khăn kéo theo đó là việc làm, thu nhập của hàng vạn công nhân, người lao động sẽ bị ảnh hưởng.
Lâu nay do hoàn cảnh lịch sử, do điểm xuất phát thấp nên phần lớn các cơ sở sản xuất của chúng ta còn hạn chế trong việc xây dựng tác phong công nghiệp, hiện đại. Tính thụ động, trông chờ còn nhiều. Cái lý cái tình lẫn lộn trong giải quyết công việc. Đặc biệt chất lượng sản phẩm – yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp chưa được đề cao. Thậm chí trong mối quan hệ với khách hàng nhiều doanh nghiệp, đơn vị đối xử như kiểu mang ơn v.v.
Và không chỉ trong sản xuất, kinh doanh, mà ở nhiều lĩnh vực khác, kể cả trong công tác quản lý nhà nước cũng còn nặng tác phong của nền sản xuất nhỏ, tiểu nông. Đó là cách giải quyết công việc đủng đỉnh, chậm chạp, coi tình hơn lý, thiếu tầm nhìn xa trông rộng...
Giờ đây chúng ta đã hoà mình vào dòng chảy của WTO, không thể cứ đủng đỉnh, bình chân như vại như trước đây mà phải thực sự khởi động để cùng chạy với các doanh nghiệp của toàn cầu. Ra với thế giới thì phải thể hiện tác phong, đẳng cấp quốc tế, phải đá chân giầy chứ không còn là chuyện đá chân đất với nhau.
Các doanh nghiệp của tỉnh ta quy mô phần lớn là vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm lực tài chính có hạn, vì vậy cần phải nỗ lực mạnh hơn, đổi mới nhiều hơn. Cùng với đó các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chuyển biến mạnh với tầm bao quát rộng lớn hơn, trình độ cao hơn, tác phong chuyên nghiệp hơn. Đây là những điều cần phải có để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức khi bước vào ngưỡng cửa của WTO.
Ý kiến ()